Kinh tế

Nhập siêu từ Trung Quốc rất nghiêm trọng!

“Chỉ với con số nhập siêu từ Trung Quốc (TQ) mà ta công bố cũng đã rất nghiêm trọng. Do đó, thay vì biện giải con số 20 tỷ USD hàng hóa TQ vào Việt Nam không được thống kê là chính xác hay không, chúng ta cần sớm có giải pháp hữu hiệu để giảm nhập khẩu...

“Chỉ với con số nhập siêu từ Trung Quốc (TQ) mà ta công bố cũng đã rất nghiêm trọng. Do đó, thay vì biện giải con số 20 tỷ USD hàng hóa TQ vào Việt Nam không được thống kê là chính xác hay không, chúng ta cần sớm có giải pháp hữu hiệu để giảm nhập khẩu, buôn lậu, gian lận thương mại từ TQ!”.

Giật mình từ sự kiện “20 tỷ USD”

Thưa ông, thừa nhận Việt Nam nhập siêu lớn từ TQ nhưng các cơ quan thống kê Việt Nam phủ nhận việc có tới 20 tỷ USD hàng TQ xuất sang Việt Nam nhưng không được cơ quan trong nước thống kê. Sự sai lệch này cũng là nguyên nhân chính khiến số liệu nhập siêu năm 2014 theo báo cáo của hai nước vênh tới 15 tỷ USD?

Một ghe hàng lậu từ TQ chuyển vào Việt Nam bị bắt giữ trên sông Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh).  Ảnh:  V.T

 
- Phải nói là tình trạng nhập siêu từ TQ đã diễn ra từ rất lâu rồi. Và cũng từ lâu chúng ta chỉ nhập siêu lớn từ TQ. Thời kỳ thấp nhất, nhập siêu từ thị trường này cũng chiếm tới 60-65% tổng nhập siêu của Việt Nam và nhiều nhất lên tới hơn 90%. Ngay 2 năm chúng ta xuất siêu là 2012 và 2013 thì chúng ta cũng vẫn nhập siêu từ TQ rất lớn.

Số liệu chính thức về nhập siêu với TQ mà Việt Nam công bố đã cho thấy con số này ngày càng lớn và nặng nề nên con số 20 tỷ USD mới khiến người ta giật mình và phải tranh luận nhiều như thế.

Từ trước đến nay, việc vênh số liệu giữa Việt Nam và TQ, số liệu Việt Nam công bố thường nhỏ hơn phía TQ công bố là điều đương nhiên. Tại sao lại như vậy? Chúng ta dường như không muốn thừa nhận việc nhập khẩu mạnh từ TQ, thừa nhận việc bị phụ thuộc vào TQ và chưa thể cân bằng thương mại với quốc gia này.

Cá nhân tôi cho rằng, qua sự kiện “20 tỷ USD”, chúng ta dường như đang đẩy vấn đề đi theo một hướng khác thay vì phải nhìn nhận rõ rằng thực trạng nhập khẩu quá lớn từ TQ là một vấn đề rất nghiêm trọng với nền kinh tế.

Mới đây, trả lời Quốc hội về việc số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và TQ từ trước tới nay luôn chênh lệch theo hướng bất lợi cho Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận có yếu tố liên quan đến quản lý thị trường. Bộ trưởng thừa nhận: “Chắc chắn có buôn lậu và kinh tế ngầm”. Ông nghĩ sao về điều này?

- Số liệu nhập khẩu từ TQ của ta luôn nhỏ hơn số liệu Hải quan TQ công bố chắc chắn là do hoạt động buôn lậu, buôn bán tiểu ngạch, tạm nhập tái xuất...

Tôi xin khẳng định: Không có sự tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại thì không bao giờ có số liệu nhập khẩu vênh nhau lớn như thế. Các đường dây buôn lậu qua cửa khẩu, lối mòn; thông đồng giữa cán bộ của ta với TQ ngày càng lớn, tinh vi và nghiêm trọng. Song thực tế, mới chỉ bắt các vụ nhỏ lẻ chứ chưa triệt phá được các tổ chức, đường dây buôn lậu quy mô lớn.

Nhìn vào thị trường Việt Nam hiện nay, một người dân bình thường cũng dễ nhận thấy, hàng hóa TQ đang tung hoành như thế nào. Trong đó phần lớn là hàng nhập lậu, không hề chịu thuế, không phải qua các hàng rào quản lý kỹ thuật của Việt Nam và tha hồ cạnh tranh không công bằng với hàng hóa từ các nguồn khác, nhất là hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Tôi không cho rằng chúng ta có thể và phải tuyệt đối tin vào số liệu của Tổng cục Thống kê TQ công bố. Nhưng ở khía cạnh nào đó, phía TQ đã “tính giúp” và cảnh báo ta về giá trị của phần kinh tế ngầm với họ.

Xuất khẩu kiểu “cầm dao đằng lưỡi”

Vậy theo ông, họ đang cảnh báo chúng ta điều gì?

- Họ cảnh báo rằng, thị trường chúng ta bị phụ thuộc TQ ngày càng nặng nề. Nếu cứ mơ hồ và không thừa nhận mức độ nhập siêu từ TQ lớn hơn số liệu ta công bố thì chúng ta không thể tính được giá trị của phần kinh tế ngầm này khi thiết kế các chính sách.

Tôi xin nhắc lại, với 80-90% tổng nhập siêu của ta là từ TQ cũng đã là rất nghiêm trọng rồi. Việt Nam đang chủ trương một nền kinh tế mở và hội nhập. Chúng ta càng cần phải có giải pháp bảo vệ hiệu quả và vững chắc nền kinh tế trong nước.

Nếu cứ để cho buôn lậu, gian lận thương mại lớn với TQ tiếp diễn thì làm sao Việt Nam có thể bảo đảm sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp trong nước và bảo vệ được người tiêu dùng trước vấn nạn hàng lậu giá rẻ, không được kiểm soát về chất lượng.

Vậy theo ông, làm sao chúng ta có thể thu hẹp được khoảng cách nhập khẩu với TQ?

- Hệ thống chống buôn lậu của ta đang không hiệu quả, tiếp tay cho buôn lậu là thực tế nhức nhối cần rà soát, chấn chỉnh từ hải quan, quản lý thị trường, thuế. Chính phủ cần có một hàng rào thuế hiệu quả hơn và tăng cường quản lý hải quan để tránh buôn lậu, gian lận thương mại.

Giảm nhập khẩu từ TQ thì chúng ta cũng phải phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước lên. Nếu ngành công nghiệp chế biến chủ yếu là gia công, nguyên liệu đầu vào gần như phải nhập khẩu thì việc thoát lệ thuộc vào TQ hay thị trường khác đều rất khó khăn.

Chúng ta cần tìm cơ hội tận dụng FTA (hiệp định thương mại tự do) để tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu. Và một giải pháp nữa là phải tìm cách tăng xuất khẩu sang TQ. Hiện xuất khẩu của ta sang TQ bị động, theo kiểu “cầm dao đằng lưỡi”. TQ điều khiển cho ta xuất hàng gì thì ta xuất được hàng đó chứ không có thế ngang bằng trong buôn bán thương mại.

Cuối cùng, chống nhập siêu với TQ không thể chỉ bằng giải pháp thương mại và phải bằng cả giải pháp đầu tư. Chúng ta đang có quá nhiều các dự án rơi vào tay các nhà thầu TQ. Chỉ đơn cử, năm 2014, quá nhiều dự án của TQ thắng thầu tại Việt Nam thì làm sao chống nhập siêu được từ TQ.

Bởi khi có dự án tại Việt Nam, hàng hóa TQ sẽ lập tức được tuồn sang từ cái chổi quét nhà đến cuộn giấy vệ sinh nhà đầu tư TQ cũng tận dụng mang sang Việt Nam. Lúc đó phía Việt Nam sẽ không được lợi gì ngoài cán cân nhập khẩu tiếp tục tăng lên.

Xin cảm ơn ông!

Theo thống kê từ số liệu chính thức của TQ, năm 2011, nước này xuất siêu sang Việt Nam 18 tỷ USD, nhiều hơn 4,5 tỷ USD so với con số Tổng cục Hải quan Việt Nam ghi nhận. Sang năm 2013 - 2014, mức chênh này tăng lên, lần lượt là 8 tỷ và 15 tỷ USD.

Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam trong các năm gần đây cho thấy, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng tăng, từ 12,4 tỷ USD năm 2010 lên 16,3 tỷ năm 2012 và lên đến 29 tỷ USD trong năm 2014.

 
Nếu theo số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc, năm 2014 Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 43,8 tỷ USD, chứ không phải 29 tỷ USD như Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố.
 
>> Bộ trưởng Công Thương: Chắc chắn có buôn lậu và kinh tế ngầm
Theo Mai Hương (Dân Việt)