Kinh tế

Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối tại Tổng công ty Sông Đà

Theo phương án cổ phần hoá được Thủ tướng phê duyệt, để thực hiện được chiến lược phát triển ngành theo định hướng đã đề ra thì trong giai đoạn trước mắt Nhà nước cần thiết giữ cổ phần chi phối tại Tổng công ty.

Theo phương án cổ phần hoá được Thủ tướng phê duyệt, để thực hiện được chiến lược phát triển ngành theo định hướng đã đề ra thì trong giai đoạn trước mắt Nhà nước cần thiết giữ cổ phần chi phối tại Tổng công ty.
 
Tổng công ty Sông Đà tiền thân là Tập đoàn Sông Đà.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà thành công ty cổ phần.

Giá trị thực tế của doanh nghiệp đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt là 18.502 tỷ đồng, tính tại thời điểm 31/12/2014. Trong đó, phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hơn 4.438 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hoá, Tổng công ty có định hướng chưa mở rộng quy mô mà duy trì ổn định như hiện tại. Theo đó, Tổng công ty xác định với mức độ quy mô như hiện tại thì nhu cầu vốn điều lệ khoảng 4.500 tỷ đồng duy trì trong những năm đầu sau cổ phần hoá (từ năm 2017 - 2018) là hợp lý.

Đáng lưu ý, theo phương án cổ phần hoá được Thủ tướng phê duyệt, để thực hiện được chiến lược phát triển ngành theo định hướng đã đề ra thì trong giai đoạn trước mắt Nhà nước cần thiết giữ cổ phần chi phối tại Tổng công ty.

Lý do được đưa ra là hiện tại, Tổng công ty Sông Đà chiếm khoảng 85% thị phần trong nước về xây dựng thuỷ điện, trở thành nhà thầu lớn nhất trong lĩnh vực này tại Việt Nam đồng thời là nhà thầu có vị thế số một về năng lực con người, chuyên môn kỹ thuật, máy móc thiết bị trong nước cũng như khu vực về xây dựng thuỷ điện.

Hơn nữa, trong những năm tiếp theo, Tổng công ty Sông Đà cũng có định hướng tập trung đầu tư, kinh doanh vào thị trường thuỷ điện tại các nước trong khu vực (Lào, Campuchia…), đảm bảo kinh doanh của doanh nghiệp và tăng cường quan hệ ngoại giao, an ninh, quốc phòng.

Tỷ lệ vốn Nhà nước ban đầu được đề xuất là 51% vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần, sau đó sẽ có lộ trình giảm xuống 36% trong các năm tiếp theo, khi vốn điều lệ được điều chỉnh tăng và được xác định cụ thể trên cơ sở nhu cầu vốn cho sản xuất và đầu tư tại từng thời điểm.

Tổng công ty Sông Đà sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược dựa trên tiêu chí là nhà đầu tư cam kết mua tối thiểu 5% vốn điều điều lệ, tương đương 225 tỷ đồng và phải đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính, uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Trước đó, Tổng công ty này có kế hoạch sẽ bán cổ phần lần đầu vào tháng 7/2016. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện cổ phần hoá bị chậm và được Tổng công ty lý giải do Sông Đà là doanh nghiệp có quy mô lớn với nhiều dự án, nhà máy, tài sản ở nhiều địa phương trong và ngoài nước, do vậy khối lượng công việc xác định giá trị doanh nghiệp lớn, cần lấy ý kiến của bộ ngành và địa phương.

Theo Phương Dung (Dân Trí)