Kinh tế

Nhà nước thu về hơn 4,7 tỷ USD nếu bán tối đa 53,59% cổ phần Sabeco

Phương thức đấu giá công khai, nhưng tỷ lệ thoái vốn cụ thể, giá khởi điểm chào bán... của Sabeco sẽ được công bố vào ngày mai (29/11).

Bộ Công Thương cho biết, những thông tin chi tiết về thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) (mã CK: SAB) như tỷ lệ chào bán, giá chào bán, tỷ lệ được phép mua của nhà đầu tư nước ngoài, đơn vị tổ chức chào bán cạnh tranh, hình thức chuyển nhượng... vốn được đóng dấu mật, sẽ được cơ quan quản lý công bố vào sáng mai (29/11). Cùng ngày, phía Sabeco sẽ có buổi roadshow tiếp theo tại TP HCM dành riêng cho giới nhà đầu tư quan tâm đến mã cổ phiếu SAB. 

Trước đó trao đổi với PV, Thứ trưởng Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết,  hiện tỷ lệ vốn hóa của Sabeco hiện 205.000 tỷ đồng, tương đương 9 tỷ USD. Nếu các yếu tố thị trường thuận lợi không loại trừ sẽ thoái tối đa 53,59% cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp này theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt và công bố trước đó.

Với giá mỗi cổ phiếu SAB được giao dịch chiều 28/11 mức 320.000 đồng một cổ phiếu, ước tính nếu bán tối đa 53,59% cổ phần tại Sabeco Nhà nước sẽ thu về hơn 4,7 tỷ USD.

Nhà nước thu về hơn 4,7 tỷ USD nếu bán tối đa 53,59% cổ phần Sabeco
Nếu tỷ lệ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco đạt mức tối đa 53,59%, ước tính số vốn Nhà nước thu về hơn 4,7 tỷ USD

Thứ trưởng Hưng cũng khẳng định, việc thoái vốn sẽ dựa trên các nguyên tắc công khai minh bạch đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước; chống tiêu cực, lợi ích nhóm và đúng quy luật thị trường, đảm bảo hiệu quả, tuân thủ quy định của thị trường..."Phương án thoái vốn cần tính toán kỹ các yếu tố và công bố vào thời điểm thích hợp", ông Hưng nói.

Cổ phiếu của Sabeco lên sàn chứng khoán từ đầu tháng 12/2016 với mức giá khoảng 132.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay, giá Sabeco đã tăng gần gấp 2,5 lần so với ngày đầu lên sàn.

Tại Sabeco hiện nay, Bộ Công Thương sở hữu 89,59% vốn. Nếu tỷ lệ thoái vốn lần này đạt mức tối đa 53,59% thì tỷ lệ sở hữu Nhà nước còn lại sẽ là 36%, mức đảm bảo quyền biểu quyết của cổ đông lớn với công ty. Tuy nhiên, mức sở hữu này lại khó có động lực để nhà đầu tư mua tiếp trong lần thoái vốn tiếp theo bởi họ đã đạt được mục tiêu đủ quyền chi phối doanh nghiệp. Ngược lại nếu tỷ lệ vốn thoái thấp hơn mức tối đa được phê duyệt thì lần thoái vốn tiếp theo của Sabeco sẽ thực sự là cuộc kiếm tìm khốc liệt để lựa chọn được nhà đầu tư sở hữu 51% vốn, đủ để nắm quyền quyết định tại doanh nghiệp này.

Sabeco đã tiến hành cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 1/2008. Tới tháng 12/2016, sau rất nhiều hối thúc và áp lực từ phía nhà đầu tư, doanh nghiệp này mới chính thức niêm yết hơn 641 triệu cổ phiếu tại sàn HOSE. Cổ phiếu của Sabeco lên sàn chứng khoán từ đầu tháng 12/2016 với mức giá khoảng 132.000 đồng một cổ phiếu. Đến nay, giá Sabeco đã tăng gần gấp 2,5 lần so với ngày đầu lên sàn.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)