Kinh tế

Nhà giàu Trung Quốc tìm cách né thuế cho khối tài sản 1.000 tỷ USD

Người giàu Trung Quốc đang tìm cách giấu tài sản và thu nhập trong các quỹ ở nước ngoài trước khi luật thuế mới có hiệu lực tháng tới.

Từ ngày 1/1 năm tới, Trung Quốc sẽ cải cách thuế, nhằm giảm gánh nặng thuế lên tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình, bằng cách buộc người giàu trả nhiều hơn. Việc này đã giúp nhiều mảng kinh doanh ăn nên làm ra, như dịch vụ tư vấn, ngân hàng bán lẻ, luật sư chuyên lập quỹ để né thuế cho tài sản ở nước ngoài.

Woon Shiu Lee - Giám đốc Lập kế hoạch Tài sản tại ngân hàng Bank of Singapore cho biết số khách Trung Quốc quan tâm đến các quỹ tín thác nước ngoài đã tăng 35% từ nửa cuối năm. Số câu hỏi liên quan đến việc lập quỹ cũng tăng gấp đôi kể từ tháng 8.

Nhà giàu Trung Quốc tìm cách né thuế cho khối tài sản 1.000 tỷ USD
Người Trung Quốc mua đồ tại một cửa hàng thời trang xa xỉ ở Chiết Giang. Ảnh: ImagineChina

Tổng tài sản cá nhân tại Trung Quốc đã lên tới 21.000 tỷ USD năm ngoái. Khi người giàu Trung Quốc giàu lên, việc giữ tài sản ở nước ngoài, hoặc thay đổi nơi lưu trú đã trở nên phổ biến. Dù giới chức Trung Quốc đã tăng kiểm soát hoạt động đưa tiền ra nước ngoài từ năm ngoái, nhằm hạn chế các thương vụ M&A rủi ro cao và ngăn dòng vốn rút khỏi Trung Quốc, Boston Consulting Group ước tính số tài sản người dân nước này để ở nước ngoài sẽ chạm 1.000 tỷ USD năm nay.

"Nhu cầu lập quỹ tín thác ở nước ngoài, và hủy đăng ký hộ khẩu tại Trung Quốc rất lớn", Peter Ni - chuyên gia thuế tại hãng luật Zhong Lun cho biết, "Người thu nhập cao đang đổ xô làm việc này trước hạn chót năm 2019".

Tài sản trong các quỹ sẽ được đặt dưới quyền sở hữu của một người quản lý thuộc bên thứ ba. Việc này thi thoảng có thể hạn chế khả năng quyết định của chủ nhân số tài sản, nhưng nó sẽ giúp họ né mức thuế có thể lên tới 20% lợi nhuận.

Quỹ tín thác đã được một số người giàu nhất Trung Quốc sử dụng. Wu Yajun - nữ tỷ phú với tài sản khoảng 7,5 tỷ USD - nắm nửa đế chế bất động sản của mình - Longfor Group Holdings thông qua một quỹ tín thác gia đình. Tháng trước, bà đã chuyển tài sản sang một quỹ khác lập dưới tên con gái.

Một cái tên nổi bật khác là Zhang Shiping. Zhang đã dùng một quỹ lập tại Quần đảo Cayman để giữ phần lớn cổ phần của mình trong hãng nhôm hàng đầu Trung Quốc - China Hongqiao Group.

Dĩ nhiên, không chỉ các văn phòng cung cấp dịch vụ lập kế hoạch tài sản là bận rộn trong dịp này. Giới thức thuế của Trung Quốc cũng bận không kém. Một người trực đường dây nóng của cơ quan thuế Trung Quốc cho biết năm nay, họ nhiều việc hơn đáng kể vì nhận được nhiều câu hỏi.

Alan Jia - CEO hãng tư vấn tài sản Ishtar Consulting đã bắt đầu giúp khách hàng lập quỹ trước cả khi thông tin cải tổ thuế được công bố. "Việc lập quỹ cũng mất thời gian. Nhiều khách hàng của chúng tôi đã đoán trước việc này và hành động từ sớm", Jia cho biết.

Hồi tháng 9, Trung Quốc đã thực thi một thỏa thuận chia sẻ dữ liệu quốc tế có tên Reporting Standard, giúp quan chức nước này dễ theo dõi các khoản tiền ở nước ngoài hơn. Gần đây, Trung Quốc cũng tăng cường rà soát hoạt động nộp thuế của người nổi tiếng.

Hồi tháng 10, Phạm Băng Băng và các công ty có liên quan của nữ diễn viên này đã bị phạt kỷ lục 129 triệu USD tiền thuế và nộp phạt. Chính phủ Trung Quốc cho biết nhiều người nổi tiếng khác có thể cũng bị phạt nếu bị phát hiện trốn thuế.

"Các trường hợp gần đây khiến mọi người càng hoảng loạn", Jason Mi tại hãng kiểm toán Ernst & Young Bắc Kinh cho biết, "Doanh nhân Trung Quốc khá lo lắng và đang nghĩ xem họ có thể làm được gì vào phút chót".

Theo Hà Thu (VnExpress.net)