Kinh tế

Nguyễn Văn Dương trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ từng là 'trùm' BOT?

Video: Ông Nguyễn Thanh Hóa tham gia đường dây đánh bạc nghìn tỷ thế nào?

Cùng với Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương là một trong hai “trùm cờ bạc” cầm đầu đường dây đánh bạc qua Internet với quy mô hàng nghìn tỷ đồng và phạm vi xuyên quốc gia.

Cùng với Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương là một mắt xích quan trọng điều hành đường dây đánh bạc xuyên quốc gia thông qua mạng Internet với quy mô cực lớn và có sự tham gia của hàng nghìn con bạc cả trong và ngoài nước.

Điều hành đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Trong khi Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC Online, được biết tới nhiều trong lĩnh vực công nghệ thì Nguyễn Văn Dương là cái tên không nhiều người biết đến.

Theo kết quả điều tra của cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Dương sinh năm 1975 và là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC) - một công ty được thành lập vào năm 2011 tại Hà Nội với số vốn 20 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, với vai trò lãnh đạo tại 2 công ty công nghệ cao, Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương đã thành lập chung một công ty với danh nghĩa nhập khẩu thiết bị công nghệ, nhưng thực chất tổ chức đánh bạc trá hình với quy mô lớn qua mạng để thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.

Ban đầu, cổ phần Công ty CNC do Nguyễn Văn Dương góp 18 tỷ và bà Vũ Kim Hà góp 2 tỷ đồng còn lại. Tuy nhiên, đến tháng 3/2016, bà Vũ Kim Hà đã nhượng lại toàn bộ cổ phần của CNC cho bà Lưu Thị Hồng.

Tháng 4/2017, CNC được Ngân hàng Nhà nước trao giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho sản phẩm hệ thống thanh toán PAY365. Theo đó, công ty CNC được cung cấp 3 nhóm dịch vụ gồm dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ ví điện tử, dịch vụ thu hộ, chi hộ trong thời hạn 10 năm.

Nguyễn Văn Dương trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ từng là 'trùm' BOT?
Công ty CNC nhận giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Ảnh: ICTNews.

'Trùm' đầu tư BOT hàng chục nghìn tỷ?

 Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của CNC, ông Nguyễn Văn Dương sinh ngày 4/3/1975, có hộ khẩu thường trú tại số 190, đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội với số chứng minh nhân dân là 011830339.

Thông tin họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ và số chứng minh nhân dân của Chủ tịch CNC hoàn toàn trùng khớp với “đại gia” Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư UDIC.

CTCP Đầu tư UDIC chính là đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tổng vốn lên tới 12.188,66 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chỉ là 1.294 tỷ còn lại là tiền đi vay ngân hàng.

Nguyễn Văn Dương trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ từng là 'trùm' BOT? - 1

Trong dự án này, Công ty Đầu tư UDIC của ông Nguyễn Văn Dương góp 491,72 tỷ tương đương 38% vốn nhà đầu tư trong dự án.

Còn lại, các cổ đông khác bao gồm gồm Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành góp 349,38 tỷ (27%), Công ty cổ phần Đầu tư 468 góp 194,1 tỷ đồng (15%) và hai nhà đầu tư Công ty cổ phần GTXD số 1 và Công ty TNHH Mỹ Đà mỗi bên góp thêm 129,4 tỷ đồng tương đương 10% vốn.

Theo Bố cáo đăng ký thay đổi doanh nghiệp từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần UDIC là doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Dương cùng Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội và một số pháp nhân khác, sáng lập.

Nguyễn Văn Dương trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ từng là 'trùm' BOT? - 2

Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư UDIC có vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng. Trong đó ông Nguyễn Văn Dương góp 524,6 tỷ đồng, tương đương 85,05% vốn điều lệ.

Các cổ đông sáng lập khác bao gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC góp 62,5 tỷ (12,5%), Công ty cổ phần Thương mại Việt Hồng góp 10 tỷ (2%) và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) góp 2,25 tỷ đồng, chiếm 0,45% vốn còn lại.

Tuy nhiên, trong đợt tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 528,373 tỷ đồng vào tháng 2/2016, ông Nguyễn Văn Dương đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 85,05% lên 99,29%, tương đương giá trị vốn góp 524,6 tỷ đồng.

Trong đợt tăng vốn này, hai cổ đông sáng lập là PVCombank và Công ty Cổ phần Thương mại Việt Hồng đã thoái hết vốn khỏi UDIC. Bản thân Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Đô thị (UDIC) cũng giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,5% về 0,71%.

Tuy nhiên mới đây, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn (SBRC) cho biết đã nắm 51% vốn cổ phần của Công ty cổ phần UDIC với tổng vốn điều lệ 781,73 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty cổ phần UDIC cũng đã thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Hữu Hùng.

Theo Hoàng Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)