Kinh tế

Người dùng bị lừa khi mua 'thiết bị tiết kiệm điện'

Hộp tiết kiệm điện được quảng cáo giúp người dùng hạn chế lượng điện lãng phí tới 40 - 50%, nhưng thực tế không phải như vậy. 

Anh Long (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã mua một hộp tiết kiệm điện được rao bán trên mạng với giá 55.000 đồng. "Tôi thấy quảng cáo chiếc máy này có thể giảm tới 40% tiền điện, dù hơi nghi ngờ nhưng vẫn mua về thử. Hy vọng nó có thể phần nào tiết kiệm được điện", anh Long kể. Bà Chi (quận 3) cũng ra chợ Nhật Tảo để mua thiết bị tiết kiệm điện với giá 1,5 triệu đồng cách đây hai tháng. "Tôi tham khảo thấy có máy mang tên 'tụ bù tiết kiệm điện' nên ra chợ tìm mua một chiếc về dùng", bà Chi nói.

Người dùng bị lừa khi mua 'thiết bị tiết kiệm điện'
Bên trong một thiết bị điện có giá 100.000 đồng.

Vào mùa cao điểm nắng nóng, cộng thêm giá điện tăng, nhiều người tiêu dùng đang tìm mua loại thiết bị này khá nhiều. Chúng được bày bán phần lớn ở các cửa hàng điện tử nhỏ lẻ ở TP HCM. Một chủ cửa hàng tại quận 10 cho biết, lượng khách hỏi và mua những thiết bị tiết kiệm điện tăng 50 - 70% so với ngày thường. "Mỗi ngày tôi bán được 10 - 20 chiếc", người này tiết lộ. Không chỉ tại cửa hàng, trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử, thiết bị tiết kiệm điện được rao giá chỉ từ 40.000 đồng. 

Các thiết bị này đều có dạng khối hộp, kích thước tương đương chuột máy tính, có một hoặc hai đèn báo. Ngoài vỏ hộp chỉ ghi đơn giản: "Electric saving box", "Hộp tiết kiệm điện thông minh"... Người bán cho biết chỉ cần cắm vào nguồn điện trong nhà là đã có thể sử dụng. Bên cạnh hạn chế năng lượng tiêu hao, chúng còn được "tung hô" là có thể kéo dài tuổi thọ, làm giảm bức xạ điện từ có hại thoát ra từ dây cáp và thiết bị điện.

Người dùng bị lừa khi mua 'thiết bị tiết kiệm điện' - 1
Những thiết bị tiết kiệm điện bán trên một trang thương mại điện tử có giá chưa tới 50.000 đồng.

Khi tháo bên trong, những thiết bị được quảng cáo "tiết kiệm điện" giá rẻ chỉ có một bảng mạch đơn giản. Khi cắm điện, đèn báo sáng lên. Tuy nhiên, khi theo dõi công tơ điện, hầu như không có sự thay đổi. Anh Lê Bình, một kỹ thuật viên điện tử làm việc tại Bình Thạnh (TP HCM), đánh giá bảng mạch và linh kiện bên trong chỉ có chức năng duy nhất là thắp sáng các bóng đèn LED.

Trong khi đó, với các sản phẩm giá 2 - 3 triệu đồng, bên trong có thành phần linh kiện phức tạp hơn. Anh Bình cho rằng chúng có một số tác dụng nhất định, chẳng hạn khử nhiễu nguồn điện nhưng khó có thể có chức năng tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ.

Một người từng kinh doanh mặt hàng này tiết lộ, sản phẩm chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc, không được kiểm tra về chất lượng và nhập về Việt Nam theo đường tiểu ngạch.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Quang, Trưởng bộ môn Điện tử thuộc Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, không thể có một thiết bị tiết kiệm được 40 - 50% điện năng. "Dựa trên định luật bảo toàn năng lượng, về cơ bản máy móc sẽ tiêu thụ một lượng điện năng nhất định khi hoạt động và điện năng đầu vào thế nào sẽ quyết định hiệu suất đầu ra như thế. Nói cách khác, một cỗ máy không thể bị hạn chế về năng lượng đầu vào mà vẫn đảm bảo hiệu suất đầu ra. Chẳng hạn, bạn không thể dùng một chiếc bếp điện công suất 1.000W, sau đó can thiệp bằng cách cắm thiết bị tiết kiệm điện để nó chạy 500 - 700W nhưng vẫn cho hiệu quả như 1.000W được. Điều này hết sức vô lý", ông Quang giải thích.

Ông Quang cho rằng, các sản phẩm tiết kiệm điện, nếu có, chỉ hoạt động dựa trên nguyên lý bù lại công suất phản kháng, khử nhiễu, từ đó giúp giảm năng lượng tiêu hao vô ích mà thiết bị tiêu thụ điện phát ra. Tuy nhiên, kể cả khi làm việc hiệu quả nhất, chúng chỉ giúp giảm khoảng 1 - 2% điện năng tiêu thụ, không thể lên tới 40 - 50% như quảng cáo. Còn với những sản phẩm giá rẻ chỉ có bảng mạch cơ bản, khả năng tiết kiệm điện là không thể, thậm chí còn tiêu thụ thêm điện năng để thắp sáng cho bóng đèn LED.

Thực tế sử dụng của nhà anh Long, sau một tháng, hóa đơn không những không giảm mà còn tăng. Nhà bà Chi trong câu chuyện trên cũng vậy, hóa đơn tiền điện tháng rồi tăng 40%.

"Người dùng không nên tin vào các loại thiết bị tiết kiệm điện, bởi chúng hầu như không có công năng như quảng cáo. Thay vào đó, cần thay đổi thói quen sử dụng, dùng các loại máy móc tiêu thụ điện năng hợp lý, tắt chúng nếu không cần thiết, chọn mua sản phẩm có công nghệ tiết kiệm năng lượng, dùng đèn LED thay cho đèn sợi đốt", ông Quang nói. "Không chỉ mất tiền, người mua còn có thể đối mặt với nguy cơ độc hại do tiếp xúc với vỏ nhựa chất lượng kém, hoặc thậm chí cháy nổ".

Theo Bảo Lâm (VnExpress.net)