Kinh tế

Ngành điện không thể đổ lỗi cho ông trời

Những ngày nắng nóng, hàng chục ngàn cuộc gọi báo cúp điện. Đã thành lệ, nhu cầu tăng là mất điện. Ngành điện vẫn thu tiền đều và tăng nhưng lỗi lại cứ đổ cho ông trời.

Những ngày nắng nóng, hàng chục ngàn cuộc gọi báo cúp điện. Đã thành lệ, nhu cầu tăng là mất điện. Ngành điện vẫn thu tiền đều và tăng nhưng lỗi lại cứ đổ cho ông trời.

Công nhân Điện lực Hà Nội tập trung khắc phục sự cố trong ngày nắng nóng - Ảnh: N.An

Liệu có thể chấp nhận khi cứ thời tiết bất thường, cứ nhu cầu tăng mạnh là người dân phải đối mặt nguy cơ mất điện?

Không sòng phẳng theo cơ chế thị trường

Nếu ngày 27-5 công suất cao nhất của 27 tỉnh phía Bắc là 7.662 MW, sản lượng tiêu thụ là 161 triệu kWh thì đến ngày 5-6 công suất đạt đỉnh lớn nhất là 9.233 MW, sản lượng 201,8 triệu kWh.

Đấy là thông tin mà trao đổi ông Hồ Mạnh Tuấn, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, cho Tuổi Trẻ biết trong đợt nắng nóng cao điểm ở miền Bắc những ngày vừa qua.

Ông Tuấn cũng thông tin đã có đến 54 sự cố tại đường dây trung áp xảy ra trong thời điểm nắng nóng ở miền Bắc (cập nhật đến ngày 4-6), trong đó có 49 sự cố làm gián đoạn cung cấp điện.

Một trong những sự cố lớn đó đã làm gián đoạn cung cấp điện đột ngột tại Bắc Ninh gây mất điện 3 huyện lân cận.

Ông Tuấn cho biết ngay từ đầu năm đã xây dựng các kế hoạch đầu tư và chuẩn bị nguồn dự phòng để tăng khả năng cung ứng điện, giảm khả năng cắt điện cho dân.

Tuy nhiên, ông thừa nhận dù đã dự báo, dự phòng nhưng khi nhu cầu điện tăng đột biến như những ngày nắng nóng vừa qua, rất khó để đảm bảo hệ thống vận hành ổn định.

Lý dol theo ông Tuấn, là nếu đầu tư để tăng dự phòng sẽ lãng phí vì việc đầu tư phải dựa trên yếu tố kinh tế, hiệu quả dài hạn...

Ông Nguyễn Thành Lam, phó giám đốc Công ty TNHH E.C (Hà Nội), không đồng tình với quan điểm trên bởi theo ông, việc nói sự mất điện cố do quá tải, do nhu cầu tăng là không đúng cơ chế thị trường và EVN không thể chỉ đổ lỗi cho ông trời.

“Là doanh nghiệp bình thường, EVN cần phải tính để đáp ứng đủ nhu cầu của dân chứ. Hay độc quyền nên không cần?” - ông Lam đặt câu hỏi.

Từng liên hệ với ngành điện nhiều lần, ông Lam cho rằng với hệ thống đo đếm hiện nay, khu vực nào đã đầy tải, có nguy cơ quá tải khi nắng nóng thì ngành điện đều biết.

Khi tốc độ tăng nhu cầu điện 10-15%/năm, ngành điện hoàn toàn có thể đầu tư dự phòng công suất cho đường dây, trạm biến áp khoảng 30%, thậm chí 50% với những khu vực có nhiều doanh nghiệp.

Không đầu tư với lý do sợ tổn thất, lãng phí để rồi khi nhu cầu tăng cao, phải cắt điện lại nói do sự cố bất khả kháng, theo ông Lam, là không ổn. Trong khi đó, doanh nghiệp, người dân mất điện bị thiệt hại rất lớn, thậm chí hỏng cả đơn hàng.

Đội trưởng tại một điện lực quận ở Hà Nội lại cho biết thực tế dù hằng năm nhu cầu đầu tư chống quá tải đường dây, giảm sự cố, mất điện khá lớn nhưng để được cấp đủ số tiền là không đơn giản.

Thậm chí có năm dù nhu cầu cả chục tỉ đồng, nhưng số tiền được duyệt chỉ vài trăm triệu. “Vậy nên nhu cầu cao, mất điện là đương nhiên”, vị đội trưởng tiết lộ và cho rằng tiền dồn vào đầu tư nhà máy là đúng, nhưng khâu phân phối cũng cần quan tâm nhiều hơn.

Để dân đỡ tăngxông vì mất điện

Nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) để người dân cả nước ít bị mất điện.

Ông Nguyễn Minh Duệ, nguyên chủ nhiệm khoa Kinh tế năng lượng (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng mặc dù nhu cầu điện tăng đột biến có nhiều lý do, đặc biệt vì thời tiết, nhưng ngành điện chưa dự đoán sát về tình hình, việc cải tạo lưới và hệ thống cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, hệ thống lưới điện hiện nay còn bất cập, việc cải tạo chưa được đầy đủ. Dẫn tới trong trường hợp nhu cầu tăng cao đột biến không tránh khỏi việc xảy ra sự cố.

“Với số lượng hộ tiêu thụ ngày càng tăng, phải đầu tư trạm nhiều. Nhưng hiện nay hệ thống lưới điện có những khu vực cũ nát... Lưới điện không đáp ứng phải có dự phòng, điều tiết để đảm bảo nguồn cung cho người dân” - ông Duệ nói.

Theo ông Nguyễn Thành Lam, ngành điện cần sòng phẳng và công khai hơn với người dân, nơi nào sắp đầy tải, nếu ngành điện thiếu vốn nên kêu gọi người dân góp vốn đầu tư, ngành điện sẽ trừ dần vào tiền điện cộng với trả lãi suất ngân hàng.

Như vậy cả đôi bên đều lợi, EVN không mất doanh thu khi nhu cầu tăng cao, còn người dân, doanh nghiệp cũng đỡ bị thiệt hại lớn, lên “tăngxông” vì mất điện.

4 ngày, trên 12.500 cuộc gọi báo sự cố, mất điện

Trong 4 ngày nắng nóng đầu tháng 6-2017, theo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội và Tổng công ty Điện lực miền Bắc, đã có tới 12.632 cuộc gọi liên quan đến sự cố, an toàn và mất điện.

Theo Ngọc An - Anh Đức (Tuổi Trẻ)