Kinh tế

Ngân hàng Nhà nước muốn có nghị định mới để bảo vệ tiền Việt Nam

Cho rằng quyết định số 130 ban hành năm 2003 về bảo vệ tiền Việt Nam đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại, NHNN đang đề nghị Chính phủ xây dựng nghị định mới để quản lý.

Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng về việc bảo vệ tiền Việt Nam, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn việc làm tiền giả; tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả và phá hoại tiền Việt Nam, đã có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ tiền Việt Nam.

Tuy nhiên, sau 15 năm thi hành, Quyết định 130 đã bộc lộ một số hạn chế về cơ sở pháp lý và thực tiễn thi hành chưa phù hợp với thực tế hiện nay.

Do khối lượng tiền mặt trong lưu thông ngày càng tăng theo mức độ phát triển của nền kinh tế, cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ in, sao chụp và xử lý hình ảnh nên việc làm tiền giả ngày càng dễ. Kỹ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi hơn, đòi hỏi trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam cần được nâng cao và quy định cụ thể hơn.

Ngân hàng Nhà nước muốn có nghị định mới để bảo vệ tiền Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Quyết định 130. 

Đó là lý do NHNN đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Quyết định 130 trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để khắc phục những bất cập của quy định pháp luật về công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Đồng thời giúp cho công tác này hoạt động đạt hiệu quả cao hơn, góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.

Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất bổ sung quy định việc xử lý ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả trong bối cảnh giao dịch quốc tế ngày một nhiều. Trong đó bao gồm việc thu giữ ngoại tệ giả, tạm thu giữ ngoại tệ nghi giả; giám định ngoại tệ; đóng gói, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển ngoại tệ giả; giao nộp, thu nhận, tiêu hủy ngoại tệ giả; thông tin về ngoại tệ giả.

Trên thực tế, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng và khảo sát của NHNN, cơ quan công an, ngoại tệ giả đã xuất hiện trong các giao dịch vãng lai. Trong đó có nhiều trường hợp ngoại tệ giả tinh vi, khó phát hiện và gây thiệt hại cho các tổ chức được phép giao dịch ngoại tệ, tổ chức kinh tế và cá nhân.

Theo NHNN, Thông tư liên bộ số 14/TTLB ngày 04/11/1992 “Về công tác bảo vệ an ninh và tài sản Nhà nước do ngành Ngân hàng quản lý và bảo quản” chỉ quy định trách nhiệm phối hợp giữa ngành ngân hàng và Bộ Nội vụ trong việc đấu tranh kiên quyết với các hoạt động phá hoại tiền tệ, sản xuất, tàng trữ, lưu hành tiền giả (nội tệ và ngoại tệ giả)... Tuy nhiên thông tư này không quy định cụ thể về xử lý tiền giả và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh ngoại hối hiện nay.

Đồng thời, hiện nay chỉ có văn bản QPPL quy định về công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả tiền Việt Nam (quyết định số 130/2003/QĐ-TTg), chưa có văn bản QPPL quy định việc xử lý ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả. Đó là lý do khiến dẫn đến ngoại tệ giả vẫn có thể lưu hành ngoài xã hội, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi gặp phải ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung quy định về xử lý ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả vào Nghị định mới thay thế Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg. Phương án này đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản QPPL và đạt được mục tiêu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ.

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)