Kinh tế

Ngân hàng không được dùng khoản vay đặc biệt chi trả cho cổ đông sáng lập

Khoản vay đặc biệt dành cho các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt chỉ được dùng để chi trả cho người gửi tiền cá nhân.

Quy định này được nêu tại dự thảo Thông tư quy định về cho vay đặc biệt với tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, lấy ý kiến. Dự thảo này được công bố sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 vừa được Quốc hội thông qua tuần trước. 

Theo đó, dư nợ gốc, lãi của khoản vay tái cấp vốn của ngân hàng bị đưa vào danh sách kiểm soát đặc biệt sẽ chuyển thành dư nợ cho vay đặc biệt với mức lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn. Thời hạn vay của những khoản vay này tối đa là 2 năm, nhưng không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước công bố trong từng thời kỳ.

Các nhà băng sẽ chỉ được dùng khoản vay đặc biệt này để hỗ trợ thanh khoản, chi trả tiền gửi cho người gửi cá nhân và không được dùng để trả cho người điều hành, cổ đông sáng lập và những người liên quan khác.

Ngân hàng không được dùng khoản vay đặc biệt chi trả cho cổ đông sáng lập
Các nhà băng chỉ được dùng khoản vay đặc biệt để chi trả cho khách hàng cá nhân. 

Dự thảo cũng quy định khoản vay đặc biệt được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng khi đến hạn hoặc trong trường hợp giải thế, phá sản..

Trường hợp đến hạn, nhà băng chưa trả hết nợ gốc, lãi vay đặc biệt và không được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thì lãi suất đối với nợ gốc quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay ghi trên hợp đồng cho vay đặc biệt. Lãi suất đối với nợ lãi chậm trả bằng 50% lãi suất cho vay ghi trên hợp đồng cho vay đặc biệt.

Khoản vay đặc biệt sẽ được dành cho các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi theo phương án phục hồi, chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt; hoặc nhà băng đã được mua lại bắt buộc trước ngày 15/1/2018 - thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một tổ chức tín dụng bị coi là yếu kém và được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt khi rơi vào các trường hợp như: mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng chi trả; hay lãnh đạo cấp cao (Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc...) vi phạm pháp luật...

Ngoài ra, nếu ngân hàng có số lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục... cũng sẽ bị đưa vào danh sách kiểm soát.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)