Kinh tế

Ngân hàng dè dặt vì 'chiếc áo' tín dụng 'chật chội'

Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay đã có sự chậm lại khi 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng tín dụng ước đạt 6,35%, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 7,54%. Phải chăng vì “chiếc áo” tín dụng năm nay quá chật chội so với sức nóng của nền kinh tế, nên các ngân hàng phải ăn dè để dành mùa tín dụng cuối năm?

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20.6.2018 đạt 6,35% (cùng kỳ năm trước tăng 7,54%). Còn theo con số mới đây được NHNN công bố, tín dụng tăng trưởng 6,9% lũy kế từ đầu năm cho đến ngày 26/6 vừa qua.  Nếu so sánh với mức tăng trưởng 7,54% vào cùng kỳ năm 2017 và 8,16% cùng kỳ năm 2016, tín dụng nửa đầu năm 2018 đã có sự chậm lại.

“Chiếc áo” tín dụng quá chật?

Theo bà Trần Hải Yến, chuyên gia nghiên cứu vĩ mô, CTCK Bảo Việt (BVSC), thông thường quý 1, quý 2 các chỉ tiêu về tiền tệ trong đó tăng trưởng tín dụng luôn có sự giao động mạnh giữa các năm. Tuy nhiên năm nay thì có vẻ 6 tháng đầu năm ngành ngân hàng xuất phát chậm hơn so với năm ngoái. Có thể xuất phát từ lý do là năm nay ngay từ đầu NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức không quá cao.

Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ vào khoảng 17%, trong khi đó năm ngoái có những thời điểm chúng ta sẵn sàng đạt những mục tiêu cao hơn 18 - 20%, thậm chí lên 21%.

“Với chủ trương này, bản thân các NHTM cũng phải chịu chung chính sách điều hành từ phía cơ quan chức năng, các NHTM đã phải cân đối để không vượt quá chỉ tiêu chung của NHNN đã giao cho các NHTM”, bà Yến phân tích.

Ngân hàng dè dặt vì 'chiếc áo' tín dụng 'chật chội'
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 bắt đầu chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái

Bà Yến nhấn mạnh thêm: “Việc tín dụng tăng chậm hơn so với cùng kỳ tôi nghĩ xuất phát từ nhà điều hành, đó là chủ trương chung thôi, con số trên 6% là hết sức bình thường và đây là con số mang tính chất thời điểm”.

Đại diện một NHTM có vốn nhà nước cũng thừa nhận là do năm nay NHNN đã có 1 thông điệp rất là chắc chắn chỉ cho phép các NHTM chỉ tăng trưởng tín dụng vào khoảng 17% thôi. “Ngay cả như chúng tôi cũng phải tuân thủ theo định hướng này từ phía NHNN. Tuy nhiên, 1 phần nguyên nhân khác đến từ chính bản thân mỗi NHTM, việc tín dụng có phần chậm hơn so với cùng kỳ nằm trong chiến lược tăng trưởng về chất thay vì chạy theo số lượng như thời gian trước đây của ngân hàng”, vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết.

Vị lãnh đạo này từng cho biết “Sau 1 thời gian chúng tôi dùng nguồn lực phát triển quy mô, mở rộng thị phần thì đến nay chúng tôi tập trung hơn vào các biện pháp phát triển sản phẩm dịch vụ, tăng cường khả năng thâm canh trên chính lực lượng khách hàng mà ngân hàng đã khai thác được”.

Siết dòng vốn chảy vào lĩnh vực rủi ro

Ở góc độ nhà điều hành, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết NHNN tập trung vào mục tiêu cuối cùng là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng 1 cách hợp lý. Còn các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng là các chỉ tiêu trung gian phù hợp với diễn biến tình hình thực tế và không phải là chỉ tiêu pháp lệnh.

“Định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay là 17% có và điều chỉnh. Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm dù có chậm hơn song tín dụng có sự tăng trưởng đồng đều hơn so với giai đoạn trước đây, không còn những bước tiến giật cục. Chất lượng tín dụng là điều mà NHNN luôn yêu cầu các NHTM phải đặt lên hàng đầu, đây cũng là điểm mới trong điều hành chính sách tín dụng của NHNN trong 2 năm trở lại đây”, ông Hà cho biết thêm.

Ông Hà nhấn mạnh, thời gian vừa qua, các đơn vị liên quan tại NHNN vừa ra chỉ tiêu tín dụng, vừa kiểm soát tốc độ tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Mục tiêu điều hành của NHNN là hướng nguồn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đồng thời tiếp tục cảnh báo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục theo dõi tăng trưởng tín dụng, và tới bây giờ thì NHNN nhận thấy chưa có yếu tố nào cần thiết phải có sự điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay”, ông Hà nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng đào tạo Học việc ngân hàng, lại cho rằng nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng ra nền kinh tế chậm trong thời gian qua không thể không nhắc đến đó chính là vấn đề liên quan đến vốn nội dinh của nền kinh tế.

“Tôi suy nghĩ như thế này, chúng ta cứ hình dung khi 1 nền kinh tế tăng trưởng liên tục trong 2 năm gần đây, đặc biệt là năm ngoái, thì bản thân nền kinh tế đã tạo ra 1 luồng vốn nội sinh, tức là hoạt động của doanh nghiệp nhộn nhịp hơn, tiêu dùng nhiều hơn, thu nhập cao hơn, điều này làm dòng vốn phụ thuộc vào các ngân hàng cũng giảm bớt phần nào áp lực. Đây cũng là lý do vì sao tín dụng tăng chậm nhưng huy động của các tổ chức tín dụng lại tăng lên 7,7 – 7,8%.   

Ngày 18.6, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-NHNN siết lại hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng và có hiệu lực từ ngày 2.8.2018.  Theo đó, khi mua trái phiếu doanh nghiệp TCTD phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ban hành quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp phù hợp quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật liên quan. Trong đó có tối thiểu các nội dung:

Quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro theo đánh giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp; Quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này.

Thông tư cũng quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Theo Lê Thúy (Dân Việt)