Kinh tế

'Ngán' chỉ định thầu BOT, lo dân đi đường nào cũng mất phí

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý việc đầu tư 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam phía Đông có thể gặp cảnh dân không có quyền lựa chọn vì đi đường nào cũng phải nộp tiền. Còn trước việc Bộ Giao thông Vận tải ngán “chỉ định thầu” BOT, Bộ KH-ĐT góp ý nên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Chỉ 1 nhà đầu tư tham gia, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Như đã đưa tin, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có tờ trình Chính phủ về triển khai dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, Bộ GTVT cũng tính đến kịch bản chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Khi ấy, theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì trường hợp này có thể áp dụng chỉ định thầu.

Thế nhưng Bộ GTVT lo ngại điều này “khó có thể đảm bảo mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.

'Ngán' chỉ định thầu BOT, lo dân đi đường nào cũng mất phí
Nhãn


Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - một trong những đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành - Ảnh: VEC

Bộ này cho rằng: Việc chỉ định thầu nhà đầu tư sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh như chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 52 của Quốc hội cũng như ý kiến Thủ tướng Chính phủ đã kết luận là “lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu cạnh tranh”.

Vì thế, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận trường hợp chỉ một nhà đầu tư trúng sơ tuyển thì sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định như đối với trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư theo yêu cầu tại Nghị quyết số 52 của Quốc hội.

Sau khi có Tờ trình của Bộ GTVT thì Bộ KH-ĐT cũng có ý kiến với việc đầu tư 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam theo hình thức BOT.

Trước băn khoăn của Bộ GTVT về việc chỉ định thầu khi chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, Bộ KH-ĐT góp ý: Khi không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển, Bộ GTVT cần làm rõ nguyên nhân không thể đấu thầu chọn nhà đầu tư với dự án. Trường hợp không khả thi, Bộ cần điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi cho tới khi đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu. Trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư, đề nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá việc Bộ GTVT đề nghị tăng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư từ 15% lên 20% là không trái với quy định hiện hành. Bởi Nghị định 15 quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư “không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư”.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15 được Bộ KH-ĐT trình Chính phủ cũng nêu rằng: Dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư. Dự án trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; còn phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng thì không được thấp hơn 10%”.

Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu tham khảo để có quyết định phù hợp.

Liên quan đến lợi nhuận nhà đầu tư được hưởng, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận xác định mức lợi nhuận là 11,77% khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu. Còn mức lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư xác định thông qua đấu thầu.

Mức lợi nhuận này được Bộ GTVT đưa ra khi nghiên cứu lợi nhuận của 67 dự án BOT đường bộ đã triển khai.

Bộ KH-ĐT nhận xét việc tham chiếu với các dự án tương tự để xác định lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không đảm bảo tính khách quan và khoa học. Do đó về lâu dài cần phải xây dựng khung lợi nhuận cho từng ngành và từng lĩnh vực khác nhau.

'Ngán' chỉ định thầu BOT, lo dân đi đường nào cũng mất phí - 1
8 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông thực hiện theo hình thức BOT.

Lo cảnh dân đi đường nào cũng phải đóng tiền

Trong danh mục tại Nghị quyết 52 của Quốc hội về đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, có 8 dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Theo đó, có 4 dự án làm đường cao tốc nối từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh gồm đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - quốc lộ 45; quốc lộ 45 (Thanh Hóa) - Nghi Sơn (Thanh Hóa); Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An); Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh). 

4 dự án làm đường cao tốc nối từ Khánh Hòa đến Đồng Nai gồm Nha Trang (Khánh Hòa) - Cam Lâm (Khánh Hòa); Cam Lâm (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (Bình Thuận); Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Phan Thiết (Bình Thuận) và Phan Thiết (Bình Thuận) - Đồng Nai.

Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án BOT cải tạo quốc lộ 1 từ nhiều năm nay cũng đang tổ chức thu phí. Cộng thêm các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng thu phí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại điều này “sẽ không đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân”.

Do đó, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT cần phối hợp với các bộ ngành có kế hoạch tổ chức cung cấp, phổ biến thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

“Đối với kế hoạch thực hiện, việc đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng là cần thiết. Tuy nhiên, cần tuân thủ nguyên tắc không bỏ qua trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành”, Bộ KH-ĐT lưu ý.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)