Kinh tế

Nếu Trung Quốc không xuất khẩu vào Mỹ, GDP Việt Nam có thể giảm 0,5-1%?

Theo tính toán của ngân hàng Standard Chartered (dựa trên số liệu 2014), nếu Trung Quốc không xuất khẩu sang Mỹ thì GDP của Việt Nam sẽ giảm từ 0,5-1%, nghĩa là tăng trưởng GDP từ mức 6,5-7% sẽ giảm còn 5,5 – 6,5%.

Nếu Trung Quốc không xuất khẩu vào Mỹ, GDP Việt Nam có thể giảm 0,5-1%?
Ảnh minh họa.

Chuyển cú sốc thương mại sang cú sốc tài chính

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang nóng lên trên toàn cầu khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố có thể tăng thuế nhập khẩu lên 550 tỷ USD hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.

Trước vấn đề này, trao đổi tại Diễn đàn khoa học về Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2018: “Chuẩn bị trước các cú sốc – Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô” được trường Đại học Ngân hàng TP. HCM (BUH) tổ chức tại TP. HCM, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết hiện Chính phủ Việt Nam đã giao một số bộ ngành, cơ quan nghiên cứu những kịch bản khác nhau để ứng xử để giảm thiểu rủi ro chiến tranh thương mại leo thang.

Trước mắt, kinh tế Việt Nam chưa chịu tác động lớn mà các mặt hàng nhôm và thép bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vì Mỹ tăng thuế vào hàng chục tỷ USD hàng hoá Trung Quốc chứ không phải dừng xuất khẩu. Mỹ đánh chủ yếu vào mặt hàng công nghệ của Trung Quốc vì hiện mặt hàng này có chuỗi sản xuất toàn cầu. Với những mặt hàng công nghệ có liên quan đến doanh nghiệp Mỹ thì Donald Trump lại dè chừng.

Trung Quốc đánh vào những mặt hàng ảnh hưởng đến cuộc bầu cử cuối năm nay của Mỹ, đó là nông sản. Lực lượng này không lớn nhưng có vai trò lớn trong xã hội Mỹ.

Về tác động lớn hơn, đây là Ngân hàng Nhà nước phải chú ý đó là chuyển từ cú sốc thương mại sang cú sốc tài chính. Nó gắn với câu chuyện chính sách tiền tệ của các nước lớn. Đặc biệt, chính sách tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khiến các nước nhìn vào lãi suất USD tăng cũng phá giá đồng nội tệ của mình để cạnh tranh, do đó sẽ gây áp lực cho VND.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi mức độ bất định tăng thì thuơng mại giảm. Hiện tính bất định toàn cầu rất cao, chưa biết cuộc chiến thương mại này leo thang đến đâu. Việt Nam phải đặt ra nhiều kịch bản. Ngay cả FED nói sẽ tăng lãi suất USD 4 lần trong năm 2018, nhưng có thể chỉ 3 lần, vì kinh tế Mỹ trong quý II/2018 bắt đầu giảm, không còn “đẹp” như quý II/2017. Điểm bất định nữa là khu vực Châu Âu sẽ chấm dứt gói hỗ trợ 8 năm cho Hy Lạp vào cuối năm 2018.

Do đó, sự bất định toàn cầu cộng với tỷ giá, dịch chuyển dòng vốn, thêm nữa là chu kỳ kinh tế 10 năm nếu xảy ra sẽ hiển hiện vào cuối năm 2019, nền kinh tế Việt Nam sẽ không tránh khỏi vạ lây.

Nếu Trung Quốc không xuất khẩu vào Mỹ, GDP Việt Nam có thể giảm 0,5-1%? - 1
 Các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Báo cáo kinh tế vĩ mô 2018 của BUH - Ảnh: BizLIVE.

Quan ngại dòng vốn FDI và FII dịch chuyển

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các chuyên gia kinh tế, tài chính tại diễn đàn cho rằng tất yếu sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn quốc tế.

Theo nhóm nghiên cứu của trường Đại học Ngân hàng TP.HCM (BUH), dự báo vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có khả năng suy giảm trong 6 tháng cuối năm 2018 và được sẽ thấp hơn so với 6 tháng cuối năm 2017, khoảng dưới 6 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI đăng ký mới và vốn tăng thêm đạt 16,2 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ 2017. Bên cạnh đó, 6 tháng cuối năm 2018, cán cân thương mại cũng không thuận lợi. GDP các quý còn lại của năm 2018 được dự báo cao, kéo theo nhập khẩu tăng, nhưng xuất khẩu có thể chậm lại do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tình hình tăng trưởng của 4 đối tác chính: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực Euro. Triển vọng kinh tế Mỹ tiếp tục ổn định, trong khi Nhật Bản và khu vực Euro có phần suy giảm.

Khu vực kinh tế trong nước sẽ có khả năng nhập siêu nhiều hơn trong khi xuất siêu của khu vực FDI không thể bù đắp, dẫn đến cán cân thuơng mại thâm hụt là tất yếu.

Đánh giá về sự đóng góp của FDI những năm qua, TS. Võ Trí Thành cho rằng nếu nhìn vào thống kê, đóng góp của FDI vào GDP của Việt Nam ngày càng lớn, chiếm 50% về sản lượng công nghiệp, 70% về giá trị xuất khẩu, 25% về đầu tư, tạo ra 3-4 triệu việc làm trực tiếp, 7-8 triệu gián tiếp… Chỉ số đóng góp tổng thể của FDI cho GDP chiếm trên 20%.

Tuy nhiên, độ lan toả về công nghệ và kỹ năng từ khu vực FDI rất thấp, trong khi 2 yếu tố này cần đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam phát triển hiện đại thì lại yếu.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, trường Đại học Fulbright Việt Nam, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện vẫn dựa nhiều vào khu vực doanh nghiệp FDI. Năm 2017, giải ngân vốn FDI là 16 tỷ USD, bằng 7-8% GDP là mức cao nhất thế giới.

Hiện có 2 câu chuyện về dòng vốn đầu tư nước ngoài, câu chuyện chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ. Việc áp thuế của Mỹ về mặt hàng công nghệ chưa rộng toàn cầu, nếu như lan rộng thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì các sản phẩm công nghệ của Việt Nam một phần là sản phẩm lắp ráp cuối cùng và xuất trực tiếp sang Mỹ.

Việt Nam cũng xuất khẩu hàng hoá sang các nước Châu Á, trong đó có Trung Quốc và đóng mác các nước này rồi cuối cùng mới xuất sang Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế 25% thì ảnh hưởng đến bao nhiêu kim ngạch của Trung Quốc, trong phần đó có bao nhiêu phần của Việt Nam xuất sang Trung Quốc? Điều này chúng ta cần phải tính toán được.

Theo tính toán của ngân hàng Standard Chartered (dựa trên số liệu 2014), nếu Trung Quốc không xuất khẩu sang Mỹ thì GDP của Việt Nam sẽ giảm từ 0,5-1%, nghĩa là tăng trưởng GDP từ mức 6,5-7% sẽ giảm còn 5,5 – 6,5%.

Về dòng FII (vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp), trước việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh tăng lãi suất đồng USD, thị trường cũng đã đo lường được, tuy nhiên, biến động của thị trường chứng khoán Việt vừa qua là rủi ro bất trắc từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Trước đó, thế giới đã lo ngại về sự tăng trưởng mạnh trong năm 2016 – 2017 của chứng khoán Mỹ và Việt Nam và chờ sự điều chỉnh, cộng với tác động từ rủi ro của cuộc chiến thương mại dẫn đến trào lưu nhà đầu tư ngoại bán ròng. Nhà đầu tư nước ngoài đã không dựa nhiều vào các yếu tố căn bản của Việt Nam. Thực ra, sự bán và rút vốn của nhà đầu tư ngoại tại Thái Lan hay Malaysia mạnh hơn Việt Nam.

Một đặc điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là quá phụ thuộc vào động thái của nhà đầu tư ngoại. Khi nước ngoài bán tạo tâm lý bi quan cho thị trường. Một yếu tố nữa là các nhà đầu tư ngoại quan ngại tính chu kỳ 10 năm của kinh tế thế giới. Nói một cách phong thuỷ là chu kỳ 2007-2009 và 2017-2019, liệu lịch sử có lặp lại không?

Vấn đề quan trọng ở đây là điều hành chính sách của Việt Nam phải chứng minh rằng lịch sử sẽ không lặp lại. Nhìn vào tình hình hiện nay nền tảng vĩ mô của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều. Mất cân đối lớn trước đây đã được cải thiện rõ về nền tảng.

Tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,7% là trong tầm tay, áp lực của chính sách tiền tệ và tài khoá là ổn định vĩ mô. Bên cạnh đó, lạm phát và tỷ lệ thâm hụt ngân sách phải đảm bảo không thâm hụt theo mức quy định để khẳng định niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Còn theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, BUH, cần phải chú trọng tạo ra một lực lượng doanh nghiệp trong nước thật mạnh trước khi nói đến FDI.

"Thị trường nội địa Việt Nam với gần 100 triệu dân, nếu doanh nghiệp biết khai thác tốt đã là một mảnh đất rất màu mỡ. Hiện cả 3 yếu tố: vốn, lao động, đất đai của Việt Nam đều yếu, nhưng lại có gần 67% doanh nghiệp Việt “chết” vì trình độ quản trị kém", ông Dương nói. 

Theo Lan Anh (Bizlive.vn)