Kinh tế

"Nếu các doanh nghiệp FDI rút đi thì chúng ta còn lại cái gì?"

Đại biểu Quốc hội lo ngại các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chỉ vì chi phí sản xuất rẻ mà không chuyển giao công nghệ. Khi khối FDI rút đi sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế.

Sáng 24/10, các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm. Tại tổ 2, đoàn TP.HCM có sự tham dự của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại về chất lượng tăng trưởng, việc giải ngân vốn đầu tư và câu chuyện phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI.

'Chúng ta không được hưởng bao nhiêu từ FDI cả'

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết ông cảm thấy lo ngại Chính phủ khó đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên, khi nghe báo cáo của Thủ tướng, ông cảm thấy vui mừng vì có thể hoàn thành cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó 5 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt.

Ông Ngân cũng đánh giá cao Chính phủ đạt cùng lúc đa mục tiêu như kiểm soát lạm phát, bội chi, giảm nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá… và cả thăng hạng kinh doanh từ 88 lên 68/127 quốc gia.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu lên thực trạng tăng trưởng đang nhờ phần lớn vào xuất khẩu, phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp FDI. Ông Tuấn nhấn mạnh Samsung và Formosa đóng góp rất lớn nhưng chủ yếu nhập nguyên vật liệu từ các nước. Tỷ lệ nội địa hóa thấp nên giá trị gia tăng không cao.

"Nếu các doanh nghiệp FDI rút đi thì chúng ta còn lại cái gì?"
Đại biểu Trần Anh Tuấn. Ảnh: Thắng Quang.

Đồng tình với Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đại biểu Phạm Phú Quốc cũng nói các doanh nghiệp FDI lớn thường liên kết sản xuất, sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp FDI nhỏ hơn, chưa gắn kết doanh nghiệp trong nước, cộng đồng startup và doanh nghiệp hỗ trợ nội địa.

Ông Tuấn cho rằng việc gắn kết mới tạo lực và giúp các doanh nghiệp trong nước mạnh, phát triển kinh tế bền vững hơn.

Về việc phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa lấy ví dụ kinh nghiệm của các nước khi Samsung cứ thấy nơi nào có chi phí sản xuất giá rẻ thì đến đầu tư. Nhắc lại bài học về tỷ lệ nội địa hóa công nghiệp ôtô hàng chục năm qua, ông Nghĩa cho rằng cần xem xét lại đóng góp của các doanh nghiệp FDI.

“Khi doanh nghiệp ôtô đầu tư vào Việt Nam đều hứa hẹn tỷ lệ nội địa hóa 30-40%, nhưng hiện nay chỉ vài %, thậm chí còn định chuyển dây chuyền đi nước khác. Trong khi họ vào chúng ta ưu đãi rất lớn về đất đai, thuế…

Chúng ta làm chủ được công nghệ bao nhiêu, chúng ta có người làm chủ được công nghệ không? Thái Lan và  các nước khác đã làm được. Nếu các doanh nghiệp FDI rút đi thì chúng ta còn lại cái gì?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.

"Nếu các doanh nghiệp FDI rút đi thì chúng ta còn lại cái gì?" - 1

Đại biểu Nghĩa cũng nhấn mạnh lại chỉ số GNI (chỉ số thực lực quốc gia). Ông Nghĩa giải thích ngắn ngọn, GNI phản ánh việc số tiền nước ngoài làm được ở Việt Nam trừ ra, cái gì người Việt Nam làm được ở nước ngoài thì cộng vào.

“Chỉ số này lại đang có xu hướng giảm. Nhân câu chuyện của Samsung, chúng ta không được hưởng bao nhiêu từ FDI cả”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Một loạt vấn đề của nền kinh tế

Đại biểu Trần Anh Tuấn bàn đến câu chuyện sức cầu trong nước rất cao nhưng nhà bán lẻ nội địa không đáp ứng được. Nhà bán lẻ ngoại xâm nhập ngày càng nhiều. Nổi bật là hàng Nhật, Hàn Quốc và Thái Lan. Ở chiều ngược lại, hàng hóa Việt Nam vẫn chưa vào được nhiều các thị trường ngoại.

“Sức cầu nền kinh tế lớn, tạo nên 'miếng mồi' béo bở cho các doanh nghiệp ngoại, và sẽ kém bền vững trong tương lai”, Đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

"Nếu các doanh nghiệp FDI rút đi thì chúng ta còn lại cái gì?" - 2
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Thắng Quang.

Đại biểu Phạm Phú Quốc tiếp tục chỉ ra một loạt vấn đề của nền kinh tế, như sức cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực khi tham gia chuỗi liên kết toàn cầu vẫn hạn chế. Việt Nam chỉ hơn Campuchia, xếp sau Thái Lan, Lào…

Ngoài ra, thị trường có nguy cơ xuất hiện bong bóng chứng khoán, bất động sản bởi bơm nhiều vốn tín dụng ra thị trường. Doanh nghiệp mới sẽ hấp thụ lượng vốn lớn, cần tính toán khả năng phát sinh thêm nợ xấu, hướng chảy của dòng vốn…

Đại biểu này cũng nói rằng nguồn vốn đầu tư cho phát triển hiện nay không hiệu quả, không thúc đẩy được khai thác các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.

"Đồng tiền đi liền khúc ruột, nợ đọng, dự án treo... mà không giải ngân được, ảnh hưởng nhiều thứ", ông Quốc trăn trở.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa còn lo ngại tình hình tham nhũng ảnh hưởng đến vấn đề thu chi vốn đã rất khó khăn. Ông lấy ví dụ về 12 dự án thua lỗ của ngành công thương.

“Từ 12 dự án thua lỗ với hàng chục nghìn tỷ, tham nhũng từ đó mà ra. Tôi đề xuất cần 'dẹp' một số dự án để cắt lỗ. Nếu cứ để thì còn thất thoát nữa, mỗi tháng hàng trăm tỷ lỗ. Số tiền đó, nếu đưa về các vùng nghèo, vùng sâu vùng xa là rất có ý nghĩa”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Hiếu Công - Phương Loan (Tri Thức Trực Tuyến)