Kinh tế

Năm sau ngân sách Nhà nước được bội chi 204.000 tỷ đồng

Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước năm 2018 ở mức 3,7% GDP, tương đương 204.000 tỷ đồng, theo Nghị quyết của Quốc hội.

Với 86,56% đại biểu tán thành, sáng 13/11 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Theo đó tổng số thu ngân sách năm 2018 là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 1,52 triệu tỷ. Như vậy, năm 2018 ngân sách Nhà nước được lạm chi 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP, cao hơn 0,2% so với năm 2017. Trong đó, ngân sách Trung ương được bội chi 3,54% GDP tương đương 195.000 tỷ và bội chi địa phương là 9.000 tỷ, khoảng 0,16% GDP. 

Tổng mức vay của ngân sách nhà nước (vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc) trên 363.280 tỷ đồng.

Trong 3 năm tới, 100% số thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ được nộp về ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ phần trăm phân chia số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu trong nước và nhập khẩu vẫn sẽ được giữ như năm 2017.

Năm sau ngân sách Nhà nước được bội chi 204.000 tỷ đồng
Mức bội chi ngân sách năm 2018 là 3,7% GDP, tăng 0,2% so với năm 2017.

Năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ được giữ lại 28% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro). 72% số tiền còn lại sẽ thu vào ngân sách Nhà nước. So với các năm trước đây, khoản tiền lãi dầu khí nước chủ nhà mà PVN được giữ lại tăng 3%. 

Từ 1/7/2018 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng một tháng lên 1,39 triệu đồng một tháng; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định... Quốc hội giao các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018 không quá 50.000 tỷ đồng, bao gồm cả số chuyển nguồn trái phiếu Chính phủ sang năm 2018 (nếu có) để đầu tư cho các công trình, dự án đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)