Kinh tế >> Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Mỹ: Thỏa thuận với Trung Quốc vẫn còn rất xa

Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết hai nước chưa thể giải quyết các vấn đề thương mại.

Đoàn đàm phán 30 người của Trung Quốc dự định tới Washington tuần tới để thảo luận về thương mại, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Wilbur Ross cho biết trên CNBC hôm qua. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực giải quyết xung đột trước hạn chót 2/3. Dù vậy, Ross không muốn giới quan sát quá kỳ vọng vào các cuộc nói chuyện cấp cao này.

"Sẽ có một đoàn rất lớn tới đây. Rất nhiều việc đã được hoàn thành, nhưng chúng tôi vẫn còn cách việc tìm ra giải pháp rất xa", Ross cho biết, "Thương mại rất phức tạp, có rất nhiều vấn đề chứ không chỉ là mua bán bao nhiêu đậu tương hay khí hóa lỏng". Quan trọng hơn là việc cải tổ cấu trúc mà Washington tin là Trung Quốc cần thực hiện, cũng như cơ chế buộc thực thi những điểm đã thống nhất.

Mỹ: Thỏa thuận với Trung Quốc vẫn còn rất xa
Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Wilbur Ross trong một cuộc phỏng vấn. Ảnh: Reuters

Ross cho biết hai bên không thể giải quyết toàn bộ những điểm gây tranh cãi trong cuộc gặp tuần tới. Tuy vậy, ông "tin rằng hai nước có cơ hội đạt thỏa thuận".

Trong khi đó, phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin hôm qua phần nào lạc quan hơn. Ông cho biết Mỹ và Trung Quốc đang "có nhiều tiến triển" trong đàm phán. Tuy nhiên, ông không nói rõ tiến triển trong lĩnh vực nào.

Các cuộc đàm phán tại Washington dự kiến diễn ra tuần tới và sẽ thảo luận về các động thái hiện tại của Trung Quốc. Mnuchin từng chỉ trích việc NDT yếu đi. Nhưng vài tuần gần đây, tâm lý tích cực của nhà đầu tư về cuộc đàm phán đã kéo giá NDT lên so với USD.

Hai bên sẽ phải đạt thỏa thuận trước ngày 2/3, nhằm tăng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho người Mỹ, giảm hỗ trợ của Trung Quốc cho các ngành công nghiệp và mở cửa thị trường này cho các công ty Mỹ. Nếu thất bại, Tổng thống Mỹ - Donald Trump sẽ nâng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Trung Quốc đến nay vẫn phủ nhận các cáo buộc về sở hữu trí tuệ và ép chuyển giao công nghệ. Họ đã đề xuất tăng mua đáng kể hàng Mỹ, từ đậu tương, nhiên liệu đến các sản phẩm khác, để thu hẹp thâm hụt thương mại lên đến 375 tỷ USD với Mỹ năm ngoái.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)