Kinh tế

Mỹ sẽ yêu cầu Việt Nam giảm lệ thuộc nhập nguyên liệu từ TQ?

Wall St. Journal dẫn nhận định của các nhà đàm phán Mỹ cho biết, nếu Việt Nam muốn tiếp cận thị trường Mỹ với quy chế ưu đãi, thì Việt Nam phải tạo thị trường mới cho ngành công nghiệp vải sợi Mỹ.

Wall St. Journal dẫn nhận định của các nhà đàm phán Mỹ cho biết, nếu Việt Nam muốn tiếp cận thị trường Mỹ với quy chế ưu đãi, thì Việt Nam phải tạo thị trường mới cho ngành công nghiệp vải sợi Mỹ.

TPP và các đối tác

 
Tuần báo Phố Wall (Wall St. Journal) đưa tin cho biết Hoa Kỳ đã yêu cầu các nước gia nhập khu vực thương mại Thái Bình Dương (TPP) giảm thiểu hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo Wall St. Journal, khuyến nghị trên được Hoa Kỳ đưa ra với mục đích giúp đỡ và tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu của chính nước Mỹ.

Báo Wall St. Journal cũng bình luận rằng, đề nghị này của Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ gặp phải sự chống đối của các doanh nghiệp và các giới chức bởi có thể họ sẽ cho rằng làm như vậy sẽ gây gián đoạn cho các hệ thống cung ứng truyền thống của họ.

Nhiều khả năng trong thời gian tới, Thượng Viện Hoa Kỳ sẽ thông qua luật pháp trao thêm quyền cho Tổng thống Obama để đưa ra các quyết định cuối cùng về Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 nước đối tác, trong đó có Việt Nam.

Hàng dệt may Việt Nam vốn nổi tiếng thế giới

 
Như vậy, có thể hiểu rằng, nếu muốn được thông qua, các chuyên gia đàm phán thương mại Mỹ sẽ yêu cầu Việt Nam, quốc gia nổi tiếng bởi năng lực xuất khẩu hàng may mặc phải giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu vải sợi do Trung Quốc sản xuất, vì Trung Quốc không phải là một đối tác trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương/TPP.

Wall St. Journal dẫn nhận định của các nhà đàm phán Mỹ cho biết, nếu Việt Nam muốn tiếp cận thị trường Mỹ với quy chế ưu đãi, thì Việt Nam phải tạo thị trường mới cho ngành công nghiệp vải sợi Mỹ, lĩnh vực vốn có giá trị hàng xuất khẩu lên tới 20 tỉ USD (thống kê năm 2014).

Nếu chấp nhận các điều kiện trên, Việt Nam sẽ phải nhập vải sợi từ Hoa Kỳ và Mexico, hai nước chính trong Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP thay vì Trung Quốc.
 

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương/TPP

Khi trao đổi với phóng viên báo điện tử Người đưa tin về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương/TPP, Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an nhận định: Trước hết ta phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, gia nhập TPP là một việc hết sức cần thiết và mang tính tất yếu. Ta không thể không tham gia TPP được. Trong đó, phương châm đa dạng hóa quan hệ kinh tế, không thể phụ thuộc vào một quốc gia nào cả và mở rộng thị trường là những yếu tố không thể không nhắc tới.

Về lịch sử hình thành, từ năm 2005 đại diện thương mại 4 nước gồm Brunei, Singapore, Chile và New Zealand ký một Hiệp định thương mại tự do (FTA) với tên gọi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tới tháng 9/2008, Mỹ đã tuyên bố cùng với 4 nước thành viên cũ đàm phán một Hiệp định TPP hoàn toàn mới. Sau đó, cả Australia, Peru, Canada, Việt Nam, Malaysia, Mexico và Nhật Bản đều tham gia.

Nói về mặt thuận lợi, Việt Nam có vai trò và vị trí quan trọng đối với các nước trong đàm phán TPP. Việt Nam với số dân hơn 90 triệu dân, là thị trường đáng kể và có thể đem lại giá trị gia tăng tương đối lớn cho các nước tham gia đàm phán. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh thêm ở chỗ, nó có biến thành những điểm thuận lợi và cơ hội cho Việt Nam hay không sẽ còn phụ thuộc vào sự nhanh nhạy, khả năng tổ chức nền kinh tế của các nhà quản lý.

Rõ ràng, một khi đã gia nhập sân chơi này mà anh có sự đột phá về tư duy quản lý và tổ chức nền kinh tế thì sẽ hiệu quả. Cộng với việc cho ra đời các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao mà giá thành cạnh tranh thì đương nhiên cơ hội để phát triển kinh tế là quá rõ ràng. Còn nếu không, anh sẽ bị thụt lùi lại và bị thất bại.

Nói như vậy, chúng ta cũng có những thách thức không nhỏ. Đó là trình độ công nghệ còn thấp, không thể sản xuất từ A – Z mà vẫn còn phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu để hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh đó, khả năng điều hành quản lý của Việt Nam còn chưa cao ở cả cấp độ doanh nghiệp và quản lý vỹ mô. Thành công tới đâu thì đều tùy thuộc vào trình độ điều hành của các cấp quản lý mà cao nhất Nhà nước Việt Nam. Phải tính đến mọi phương án để nắm bắt từng điểm mạnh của nền kinh tế.

 
Theo Hòa Bình (Nguoiduatin.vn)