Kinh tế

Mỹ muốn đánh thuế hàng hóa nào của Trung Quốc?

Máy rửa bát, TV, máy in hay thậm chí súng phun lửa, răng giả cũng thuộc danh sách đề xuất chịu thuế nhập khẩu khi vào Mỹ.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vừa công bố danh sách đề xuất 1.300 mặt hàng Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD sẽ chịu thuế nhập khẩu 25% khi vào Mỹ. Quần áo và giày dép không xuất hiện, nhưng nhiều mặt hàng khác, từ loại phổ biến (như máy rửa bát, TV) loại ít nghe tên (như máy in cấp theo cuộn) đến những mặt hàng khó tin (như súng phun lửa, răng giả hay xi măng trám răng) lại có mặt.

“Những đồ bạn mặc vào người thì được miễn. Còn đồ để trong nhà thì bị đánh thuế”, Hun Quach - Chủ tịch phụ trách thương mại quốc tế tại Hiệp Hội Các nhà lãnh đạo Bán lẻ Mỹ nhận xét.

Mỹ muốn đánh thuế hàng hóa nào của Trung Quốc?
Khách hàng chọn TV trong một cửa hàng tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Trong một số trường hợp, thuế đánh vào nguyên liệu thô và thành phần được dùng để tạo ra sản phẩm cuối cùng tại Mỹ, như nguyên liệu cho insulin. Số khác là hàng thành phẩm, như xe hơi lắp ráp tại Trung Quốc. Máy móc dùng để sản xuất ra sản phẩm cũng bị đánh thuế.

Dù hàng dệt may và giày dép không phải chịu thuế nhập khẩu, các thiết bị dùng để tạo ra chúng, như máy in vải hay khuôn đúc giày, lại bị ảnh hưởng. “Thuế lên một số máy móc sẽ khiến chính hàng sản xuất tại Mỹ đắt lên”, Matthew Shay - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ cho biết.

Một tổ chức khác - Hiệp hội các nhà Phân phối vá Bán lẻ Giày dép (FDRA) lại hoan nghênh kết quả này. “Tôi rất tự hào về nỗ lực của các hãng giày dép, các lãnh đạo, công nhân trong ngành và nhân viên của FDRA đã giúp mặt hàng này không bị đánh thuế”, Matt Priest - Chủ tịch cơ quan này cho biết.

Tuy nhiên, Hiệp hội Dệt may và Giày dép Mỹ, đại diện cho các hãng sản xuất, lại có phản ứng trái ngược. Họ hoan nghênh việc giày dép vắng mặt trong danh sách, nhưng cảnh báo thuế nhập khẩu máy móc sẽ “trực tiếp nâng thuế với các hãng sản xuất trong nước và ảnh hưởng đến khả năng thúc đẩy chiến lược Made in USA”.

Dù vậy, ảnh hưởng của thuế nhập khẩu còn tùy vào việc các công ty Mỹ phụ thuộc thế nào vào thiết bị Trung Quốc để tạo ra sản phẩm của mình. Thuế lên “máy móc dùng để sản xuất bánh kẹo, cacao hay chocolate” có thể là tin tức khá tệ với những công ty như Hershey. Tuy vậy, hãng chocolate nổi tiếng này cho biết không dùng máy móc Trung Quốc.

Hiệp hội Các nhà Sản xuất Mỹ cũng đang bàn bạc với thành viên về việc hàng hóa nào trong danh sách họ muốn phản đối và vận động đưa ra trong thời kỳ tham vấn, người phát ngôn Michael Short cho biết. Tổ chức này đang thúc giục ông Trump theo đuổi một hiệp định song phương với Trung Quốc, hơn là đơn phương hành động.

Phòng Thương mại Mỹ “sẽ làm việc với Chính phủ trong thời kỳ tham vấn để nêu lên tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp”, Myron Brilliant - Phó giám đốc cơ quan này cho biết. Chính phủ không sai khi muốn giành lại công bằng về thương mại với Trung Quốc, nhưng “áp thuế lên các sản phẩm được người Mỹ và các công ty dùng hàng ngày không phải là cách đạt được điều đó”, Brilliant giải thích.

Nếu lịch sử lặp lại, thuế nhập khẩu sẽ không bao giờ có hiệu quả và còn phản tác dụng, Dean Garfield - Giám đốc Hội đồng Ngành Công nghệ Thông tin cho biết. Microsoft, Intel, Qualcomm, Google đều là thành viên của tổ chức này.

“Thuế nhập khẩu trừng phạt người tiêu dùng Mỹ thông qua việc tăng giá các mặt hàng công nghệ, và sẽ chẳng thay đổi được hành vi của Trung Quốc”, ông nói, “Thay vào đó, chính phủ nên hành động theo các quy định quốc tế và làm việc với các nước khác để giải quyết vấn đề hệ thống của Trung Quốc”.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)