Kinh tế

Một trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ sẽ “lên sàn” vào tuần sau

Là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng của ngành công thương với khoản lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2016 là 1.720,8 tỷ đồng (kế hoạch lỗ tiếp 847,4 tỷ đồng trong năm 2017), Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc sẽ giao dịch trên thị trường UPCoM vào giữa tuần tới với mã DHB ở mức giá tham chiếu 6.800 đồng/cổ phiếu.

Là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng của ngành công thương với khoản lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2016 là 1.720,8 tỷ đồng (kế hoạch lỗ tiếp 847,4 tỷ đồng trong năm 2017), Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc sẽ giao dịch trên thị trường UPCoM vào giữa tuần tới với mã DHB ở mức giá tham chiếu 6.800 đồng/cổ phiếu.

Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Theo đó, 272,2 triệu cổ phiếu của công ty này sẽ được giao dịch lần đầu tiên trên thị trường UPCoM vào ngày 26/7 tới đây với mã chứng khoán DHB. Công ty có vốn điều lệ 2.722 tỷ đồng, song với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của DHB là 6.800 đồng/cổ phiếu, Đạm Hà Bắc sẽ có vốn hóa thị trường vào khoảng 1.851 tỷ đồng.

Trong số này có 215.600 cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng, đây là số cổ phần được phát hành cho cán bộ công nhân viên theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông ngày 19/4/2017, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty này là 0%.

Mặc dù kinh doanh khó khăn song Ban Tổng giám đốc Đạm Hà Bắc vẫn tin tưởng công ty này có thể cân đối được dòng tiền để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn.

Mặc dù kinh doanh khó khăn song Ban Tổng giám đốc Đạm Hà Bắc vẫn tin tưởng công ty này có thể cân đối được dòng tiền để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn.

Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Hanichemco) tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960 và đã “thay tên đổi họ” đến 5 lần cho đến nay: Từ một nhà máy, trở thành một xí nghiệp liên hợp, công ty, công ty TNHH MTV và nay là một công ty cổ phần.

Ngày 30/10/1977, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã cắt băng khánh thành Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, “đứa con đầu lòng” của ngành sản xuất đạm Việt Nam.

Tháng 9/2015, công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Hai tháng sau đó, gần 94,78 triệu cổ phần của công ty này đã được đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Với giá đấu thành công bình quân tại thời điểm đó ngang với mệnh giá 10.000 đồng, song số lượng cổ phần bán được rất khiêm tốn, chỉ đạt hơn 3,36 triệu cổ phần, tổng giá trị cổ phần bán được hơn 33,6 tỷ đồng.

Cho đến nay, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với sở hữu 265,83 triệu cổ phần tại Đạm Hà Bắc đang là cổ đông tổ chức lớn nhất tại doanh nghiệp này, chiếm tỷ lệ sở hữu lên tới 97,66%. Bên cạnh đó, còn có 17 cổ đông tổ chức khác (sở hữu 1,22% vốn) và 1.257 cổ đông cá nhân (sở hữu 1,12% vốn điều lệ).

Đạm Hà Bắc có 15 phòng, 13 đơn vị sản xuất, 2 đơn vị phục vụ và đời sống. Công ty chỉ có 1 công ty con trực thuộc là CTCP Hóa chất Hưng Phát Hà Bắc (sở hữu 64,56% vốn) và 2 công ty liên kết gồm CTCP Xuất nhập khẩu phân bón Bắc Giang (nắm 36% vốn) và CTCP Khí hóa lỏng Hà Bắc (nắm 36% vốn).

…đến 1 trong 12 đại dự án yếu kém ngành công thương

Đạm Hà Bắc là 1 trong 12 đại dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương. Năm 2016, Đạm Hà Bắc còn 9.909,2 tỷ đồng tổng giá trị tài sản, giảm 2,7% so với năm 2015. Vốn chủ sở hữu giảm tới 50,11% còn 1.039,7 tỷ đồng.

Doanh thu thuần trong năm ngoái của Đạm Hà Bắc mặc dù tăng 7,3% so với 2015, đạt 2.157 tỷ đồng, song công ty vẫn phải ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 1.038,6 tỷ đồng (năm 2015 lỗ thuần hơn 710,6 tỷ đồng). Lỗ ròng hợp nhất lên tới 1.040,7 tỷ đồng, trong đó, lỗ ròng thuộc về công ty mẹ là 1.042,2 tỷ đồng (năm 2015 lỗ ròng hợp nhất 668,7 tỷ đồng, lỗ thuộc về công ty mẹ 676,4 tỷ đồng).

Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, đơn vị kiểm toán lưu ý, tại thời điểm 31/12/2016, nợ ngắn hạn của Đạm Hà Bắc đã ở mức 1.356,7 tỷ đồng, vượt qua giá trị tài sản ngắn hạn là 557,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế lên tới 1.720,8 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, Ban Tổng giám đốc công ty này vẫn tin tưởng công ty có thể cân đối được dòng tiền để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường của công ty. Đồng thời, Vinachem cũng đã cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp để hỗ trợ công ty ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo khả năng trả nợ.

Điều đáng nói là trong năm 2017, Đạm Hà Bắc tiếp tục lên kế hoạch lỗ sau thuế 847,4 tỷ đồng (mặc dù doanh thu thuần vẫn phấn đấu tăng mạnh 25,16% lên 2.699,8 tỷ đồng).

Theo Bích Diệp (Dân Trí)