Kinh tế

Một loạt sân golf được bổ sung vào quy hoạch sau 4 năm bị 'hãm'

Bộ KH&ĐT mới đồng ý bổ sung một loạt sân golf vào quy hoạch cùng lúc nhiều tỉnh cũng đang xin bổ sung thêm sân golf khác.

Gần 4 năm sau khi Thủ tướng ra quyết định “hãm” sự bùng nổ của sân golf theo quy hoạch đến năm 2020, các dự án đang có dấu hiệu mọc trở lại.

Mới đây, ngày 27/3, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng đã ký một loạt văn bản chấp thuận bổ sung nhiều sân golf vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Nhiều dự án đã hoàn thành cũng được đồng ý mở rộng thêm. Thậm chí có dự án được đồng ý mở rộng quy mô gấp 3 lần ban đầu.

Một loạt sân golf được bổ sung vào quy hoạch sau 4 năm bị 'hãm'
Hàng loạt sân golf trị giá hàng nghìn tỷ đồng được bổ sung vào quy hoạch đến năm 2020. Ảnh: Hoàng Hà.

Cụ thể, quyết định này bổ sung sân golf Kênh Gà - Vân Trình (tỉnh Ninh Bình), sân golf FLC Quảng Bình Golf Links (tỉnh Quảng Bình), sân golf Bến En (tỉnh Thanh Hóa); sân golf quốc tế, khu dịch vụ hỗ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế); sân golf Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) và sân golf Vinpearl Mỹ Lâm (tỉnh Tuyên Quang).

Cũng trong một quyết định ngày 27/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng ý điều chỉnh mở rộng sân golf Bà Nà (thành phố Đà Nẵng) từ 36 lỗ lên 108 lỗ.

Tiếp đó, vào ngày 9/4, Bộ KH&ĐT cũng đã có văn bản đồng ý bổ sung sân golf Vinpearl Quảng Nam 18 lỗ thuộc dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Vinpearl Quảng Nam vào quy hoạch.

Ngoài ra, nhiều dự án sân golf khác cũng được bổ sung vào quy hoạch. Có thể kể đến như sân golf Ecopark (TP. Hà Nội), sân golf khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (TP. Hải Phòng), sân golf Vân Đồn Golf club (tỉnh Quảng Ninh), sân golf Paradise (tỉnh Hà Nam)...

Một loạt sân golf được bổ sung vào quy hoạch sau 4 năm bị 'hãm' - 1
Nhiều tỉnh cũng đang đề xuất bổ sung thêm các sân golf vào quy hoạch.

Không chỉ bổ sung vào quy hoạch, Bộ KH&ĐT cũng đã gửi văn bản lấy ý kiến về đề xuất bổ sung hàng loạt dự án sân golf của các địa phương vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Tại Hòa Bình, có đề xuất thêm dự án sân golf quốc tế 36 lỗ và khu dịch vụ phụ trợ tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn vào quy hoạch.

Tại Bắc Giang, Bộ KH&ĐT cũng lấy ý kiến bổ sung sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang tại xã Chu Diện, Khám Lạng, Yên Sơn, huyện Lục Nam vào quy hoạch. Dự án có tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng, quy mô sân golf 36 lỗ. Tổng diện tích đất đề nghị bổ sung quy hoạch tại dự án là khoảng 200 ha, được chuyển đổi chủ yếu từ đất rừng sản xuất.

Tại tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh này cũng đề xuất bổ sung vào quy hoạch sân golf 18 lỗ Hồ Eakao tại thành phố Buôn Ma Thuột. Sân golf 18 lỗ này có tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng với diện tích 215 ha. Trong đó, có tới 64 ha dành cho cấu phần khu biệt thự, đất sân golf là 79 ha, còn lại đất rừng được giữ lại, đất cho giao thông.

Tại lần kiểm tra thực hiện quy hoạch sân golf trước đây, Bộ KH&ĐT cho biết trong gần 90 dự án sân golf đã được Thủ tướng phê duyệt, nhiều sân golf phải đưa ra ngoài quy hoạch vì chậm tiến độ, nằm ngoài danh mục và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Trong đó, nhiều chủ đầu tư sử dụng sai mục đích đất làm sân golf, khi 50% diện tích được sử dụng để xây khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại...

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)