Kinh tế

Mô hình chia sẻ xe sẽ có thể loại bỏ hơn 27% số phương tiện lưu thông trên đường phố

Theo nghiên cứu độc lập của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) do Uber ủy thác thực hiện, chia sẻ phương tiện có thể loại bỏ trên 27% lượng xe cộ lưu thông trên đường phố. Đây là tín hiệu tích cực cho giao thông Việt Nam, bởi lẽ vấn nạn ùn tắc, khan hiếm diện tích đậu xe… vẫn đang là bài toán “bế tắc”.

Lãng phí gần 1 giờ đồng hồ vì kẹt xe

Mô hình chia sẻ xe sẽ có thể loại bỏ hơn 27% số phương tiện lưu thông trên đường phố
Việc quá tải về số lượng phương tiện ảnh hưởng tiêu cực đến việc giải quyết chỗ đậu xe, ô nhiễm môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân. 

Thông tin từ cuộc họp sơ kết công tác An toàn giao thông TP. HCM 6 tháng đầu năm cho thấy, trung bình mỗi tháng có thêm 30.000 phương tiện mới được đăng ký, bình quân mỗi ngày tăng 1.000 chiếc. Thêm vào đó, một lượng lớn hàng hoá lưu thông và phương tiện của các tỉnh lân cận thường đổ dồn về các thành phố mỗi ngày. Tình trạng này gây áp lực nặng nề lên cơ sở hạ tầng giao thông vận tải thành phố vốn chưa hoàn thiện. Chưa kể, quy mô dân số TP. HCM hiện nay đã cán mức 13 triệu người và không ngừng tăng sẽ là thách thức rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế của thành phố. 

Việc quá tải về số lượng phương tiện dẫn ảnh hưởng tiêu cực đến việc giải quyết chỗ đậu xe, ô nhiễm môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay tại các quận trung tâm thành phố, tình trạng thiếu bãi đậu cùng với lượng phương tiện cá nhân tăng cao khiến các phương tiện buộc phải chiếm dụng mặt đường hoặc chạy lòng vòng tìm chỗ đậu, vô tình khiến nạn ùn tắc càng trở nên trầm trọng. Chẳng những thế, cũng theo kết quả nghiên cứu của tập đoàn tư vấn BCG nêu trên, mỗi chiếc ô tô cá nhân ở TP. HCM chỉ có trung bình 2.4 người ngồi đồng nghĩa với một lượng lớn không gian, diện tích bị lãng phí vì tình trạng “ghế rỗng” trên xe. 

Cũng trong một khảo sát khác do Uber phối hợp thực hiện cùng Audience Project cho thấy, trung bình người dân Hà Nội mất khoảng 58 phút "chôn chân" vì kẹt xe. Còn ở TP.HCM, con số này dao động từ 30 phút đến 2 tiếng. Điều này đồng nghĩa với hàng nghìn tỉ ngân sách công đang bị tổn thất mỗi năm. 

Chia sẻ phương tiện - phương án tiềm năng

Tại các thành phố có mật độ dân cư cao và tốc độ phát triển kinh tế nhanh như Hà Nội và TP.HCM, số lượng xe ô tô cá nhân đang tăng lên ở mức báo động và đây là vấn đề bức bách đòi hỏi cần có những giải pháp thông minh tận dụng được tối đa các phương tiện giao thông, điển hình như các giải pháp công nghệ đến từ cách mạng công nghiệp 4.0.

Một thực tế không thể phủ nhận rằng, công nghệ đang là một phần không thể thiếu trong của cuộc sống con người. Ở Tây Ban Nha, để giải quyết vấn nạn kẹt xe, chính phủ nước này đã cho lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông. Hệ thống này kết nối cáp quang với hệ thống điều khiển của sở giao thông thành phố sẽ cung cấp dữ liệu về tình hình giao thông từng thời điểm để giúp người dân điều chỉnh lộ trình của mình. Ngoài TP. HCM, tập đoàn BCG đã nghiên cứu và đánh giá tác động của công nghệ chia sẻ phương tiện tại Châu Á cho ra kết quả rằng, tại 8 thành phố lớn khác như Singapore, Kuala Lumpur, Jakarta, Surabaya, Hong Kong, Đài Bắc, Hà Nội và Manila, nếu các dịch vụ chia sẻ phương tiện trở thành lựa chọn thay thế cho ô tô riêng thì có thể giảm được từ khoảng 40% đến 70% lượng phương tiện giao thông. 

Mô hình chia sẻ xe sẽ có thể loại bỏ hơn 27% số phương tiện lưu thông trên đường phố - 1
Chia sẻ phương tiện được kì vọng là “cứu cánh” cho giao thông châu Á

Năm 2017, ước tính chỉ riêng ở Việt Nam, hạ tầng TP. HCM đang gánh chịu hơn 650,000 ô tô và 7,4 triệu xe máy lưu thông trong khi mỗi chiếc ô tô cá nhân ở TP.HCM chỉ có trung bình 2.4 người ngồi. Điều đó đồng nghĩa, một số lượng lớn phương tiện đang lưu thông trên đường chưa được tận dụng triệt để. Như vậy, nếu tận dụng nguồn lực này bằng cách đẩy mạnh việc chia sẻ phương tiện sẽ có thể loại bỏ trên 27% số phương tiện lưu thông trên đường phố. Đồng thời, cắt giảm bớt lượng xe ô tô chạy “rỗng” và “xe máy một người” trên đường.

Cũng theo nghiên cứu của BCG, công nghệ chia sẻ phương tiện sẽ giúp người dân trong thành phố kết nối với nhau thông qua việc chia sẻ chuyến đi, tận dụng tối đa lượng phương tiện sẵn có trên đường phố, từ đó làm giảm áp lực giao thông đô thị đến từ lượng xe quá tải.

Điều này cũng được nhấn mạnh tại buổi công bố kết quả nghiên cứu tác động của công nghệ chia sẻ phương tiện. Ông Brooks Entwistle, Tổng giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương Uber khẳng định: “Với đà gia tăng phương tiện cá nhân như hiện nay, chỉ vài năm nữa giao thông tại các thành phố ở Châu Á sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Là giải pháp để nhiều người đi nhưng sử dụng ít ô tô hơn, chia sẻ xe có thể góp phần giải quyết tắc nghẽn giao thông. Mọi người dân đều có thể khơi nguồn tiềm lực thành phố của mình, với điều kiện là tất cả chúng ta đồng lòng”. 

PV