Kinh tế

"Ma trận" sở hữu chéo ở hãng xe Phương Trang, “con nợ” 3.000 tỉ của Ngân hàng Xây dựng

Tổng cục Thuế cho biết hai "con nợ" là Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang và Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế từ ngày 29/12/2015.

Tổng cục Thuế cho biết hai "con nợ" là Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang và Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế từ ngày 29/12/2015.
"Ma trận" sở hữu chéo ở hãng xe Phương Trang, “con nợ” 3.000 tỉ của Ngân hàng Xây dựng
 

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện có một "ma trận" sở hữu chéo ở hãng xe vừa bị Ngân hàng Xây dựng (CB bank) thông báo sẽ kiện đòi nợ 3.000 tỉ đồng này. Các cổ đông sáng lập Phương Trang như ông Nguyễn Hữu Luận, ông Phạm Đăng Quan, Nguyễn Hữu Luân, Nguyễn Đông Hòa, Trần Ngọc Duy... đã thành lập nhiều công ty khác nhau nhưng định vị cùng thương hiệu "xe khách Phương Trang".

Về mặt pháp nhân, đến thời điểm này nhóm Phương Trang còn lại các công ty chính như: Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang (Futa Bus), Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt, Công ty Cổ phần Taxi Phương Trang, Công ty Cổ phần dịch vụ chuyển phát nhanh Phương Trang (Futa Express)...

Theo giấy phép đăng kí kinh doanh mới nhất, Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang do ông Trần Ngọc Duy là người đại diện pháp luật, ông Trương Ngọc Thu là Giám đốc, có trụ sở chính ở số 471 đường Nguyễn Hữu Thọ quận 7 TPHCM với tổng vốn điều lệ 200 tỉ đồng.

Các cổ đông sáng lập của Công ty này gồm có Công ty Cổ phần Taxi Phương Trang chiếm 40% cổ phần, ông Nguyễn Hữu Luận chiếm 52,67% cổ phần, ông Phạm Đăng Quan chiếm 11,66% cổ phần và bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh chiếm 1,5% cổ phần.

 
Tài liệu mà chúng tôi thu thập được cho thấy hiện Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang không có dư nợ tại Ngân hàng Xây dựng. Tuy nhiên từ năm 2011 đến nay ba công ty khác do các cổ đông Phương Trang sở hữu đã có cầm cố hàng trăm xe khách và xe ô tô con tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) trước đây nay là Ngân hàng Xây dựng (CB Bank).

Đó là Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang (Futa Corp) do ông Phạm Đăng Quan là người đại diện pháp luật, Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang (Futatrans Corp) do ông Trần Ngọc Duy là người đại diện pháp luật và Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt do ông Nguyễn Hữu Luân đại diện pháp luật.

Và cũng thật bất ngờ là thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết hai "con nợ" là Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang và Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế từ ngày 29/12/2015.

 
Ngoài các công ty trong nhóm Phương Trang, những cổ đông sáng lập của hãng xe này còn là chủ của nhiều công ty. Đơn cử như cổ đông lớn nhất của Phương Trang là ông Nguyễn Hữu Luận cũng đang là chủ các công ty Cổ Phần Thương Mại & Xây Dựng Thành Hiếu, Công Ty TNHH Nam ô Tô, Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Bất Động Sản Phú Mỹ và Công Ty Cổ Phần Bất Động Sản Phương Trang Long An.

Cổ đông Phạm Đăng Quan là chủ Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Đô Thị Vịnh Thuận Phước, Công Ty Cổ Phần P.V.C Thuận Phước, Công Ty TNHH Hàn Hà và Công Ty TNHH Thép Long An...

Với “ma trận” về chủ sở hữu như vậy, vấn đề thu hồi nợ của Ngân hàng Xây dựng (CB bank) tại nhóm công ty Phương Trang theo như thông cáo đã phát đi có lẽ sẽ là một hành trình rất nan giải.

Đồng thời, hoạt động của hãng xe đang được đông đảo khách bộ hành Việt Nam lựa chọn khi có nhu cầu đi lại, du lịch, vận chuyển hàng hóa… liên tỉnh thành sẽ đi về đâu khi hàng trăm xe khách của họ đang cầm cố trong ngân hàng và không biết lúc nào sẽ bị thu hồi?

Theo Duy Khánh (Cafebiz.vn/Trí Thức Trẻ)