Kinh tế

Lùi thông qua Luật Đặc khu: Đất Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong ra sao?

Cho thuê đất đặc khu 99 năm: Thủ tướng khẳng định sẽ điều chỉnh lại

“Những người muốn đầu tư ăn xổi ở thì, tìm kiếm lợi nhuận từ sốt giá đất ở những nơi dự kiến là đặc khu chắc chắn ảnh hưởng lớn", ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Lùi thông qua Luật Đặc khu: Đất Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong ra sao?
Ông Lê Hoàng Châu (trái), ông Đặng Hùng Võ (phải)

“Sốt” đất ảo hạ nhiệt, nhiều người “ôm” đất không ai mua

Trao đổi với BizLIVE, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá cao quyết định lùi thông qua Luật Đặc khu tại kỳ họp Quốc hội lần này: “Dừng lại Luật Đặc khu cũng là giải pháp tổng kết, lắng nghe các ý kiến đóng góp, phản biện của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, đại diện các Hiệp hội, dư luận… để chuẩn bị chu đáo hơn và tác động thứ hai là làm hạ nhiệt, sốt đất ảo tại các đặc khu”, ông Châu nói.

Theo ông Châu: “Sắp tới cần mặt bằng giá đất hợp lý, nếu các nhà đầu cơ chiếm hữu khu đất lớn sẽ làm giá các nhà đầu tư chiến lược, họ đã “ăn trước” chênh lệch địa tô trong lúc giá trị gia tăng hiện chưa có, đó là những giá trị gia tăng trong tương lai. Giới đầu cơ “ăn trước”, ăn theo tin đồn làm mặt bằng giá không đúng giá trị làm trở ngại cho thu hút đầu tư lớn sau này”, ông Châu phân tích.

Ông Châu cho rằng, nhà đầu tư lớn thấy mặt bằng giá đất quá cao sẽ rất nản lòng nên việc lùi thông qua Luật Đặc khu là cần thiết và tác động điều chỉnh thị trường bất động sản ở các khu vực này. Qua đó, làm hạ nhiệt một cách mạnh mẽ thị trường mua bán đất nền, đất nông nghiệp như thời gian qua, tác động tích cực với việc điều chỉnh thị trường giá đất.

Còn đối với những nhà đầu tư lớn, ông Châu cho biết tại Phú Quốc, Vân Đồn hiện đã có nhiều nhà đầu tư đầu tư các dự án lớn và khi có Luật Đặc khu, cơ chế ở khu vực này sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn khác.

Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thị trường "lướt sóng" chắc chắn bị ảnh hưởng vì tiến trình trước đây nhanh nhưng bây giờ chậm lại, những người muốn đầu tư “ăn xổi ở thì”, tìm kiếm lợi nhuận từ “sốt” giá đất chắc chắn ảnh hưởng lớn, nhiều người “ôm” đất không ai mua.

Còn thị trường chính quy, thị trường cho tương lai không ảnh hưởng, vì theo ông Võ, việc lập đặc khu đương nhiên phải làm dù có thể còn có ý kiến khác nhau. “Giả sử trường hợp xấu nhất Luật Đặc khu không được thông qua, đây vẫn là điểm tập trung đầu tư của các tỉnh đó và vẫn có khả năng đầu tư phát triển bình thường. Muốn hay không muốn đây cũng là địa điểm tốt đặt vấn đề đầu tư mang lại hiệu quả cao. Về cơ bản thị trường chính quy không ảnh hưởng”, ông Võ nói.

Tìm động lực nào phát triển đặc khu?

Bình luận thêm về nội dung dự thảo, ông Võ cho biết, dự thảo chỉ dựa cách tiếp cận, tìm hiểu các đặc khu thế giới, học tập, lấy chuyện miễn thuế, giảm thuế để thu hút nhà đầu tư nhưng cách thức này quá cũ và chúng ta đừng tìm cách đi lại những lối mòn.

“Quan điểm của tôi là cần thiết lập hạ tầng công nghiệp 4.0 tại 1 hoặc cả 3 đặc khu, đây mới là động lực thực sự để phát triển. Tôi cho rằng công nghiệp 4.0 phải là cốt lõi của tìm động lực đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư lớn kinh doanh hạ tầng 4.0 tại đây. Tôi đề nghị cần bổ sung vào phần nội dung tìm động lực đầu tư”, ông Võ nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Võ cũng cho biết, liên quan đến nội dung về thời gian cho thuê đất, thời gian thuê càng dài càng lôi kéo được những nhà đầu tư lớn vì bài toán đầu tư phụ thuộc vào số lần quay vòng vốn, nếu sử dụng đất dài có khả năng đầu tư lớn, có như vậy mới có những công trình du lịch lớn, thậm chí có công trình du lịch thế kỷ.

“Đây là lợi ích của thời hạn đầu tư dài, chúng ta có thiệt hại gì không nếu nhà đầu tư đầu tư dài? Chúng ta vẫn là người chủ của thửa đất đó, khu vực đất đó, việc thực hiện đầu tư phải theo pháp luật nước sở tại, người thuê chỉ có quyền thuê sử dụng đất làm thương mại trên đất đó”, ông Võ nói.

Theo Nguyễn Thảo (Bizlive.vn)