Kinh tế

Luật Ngoại thương gây lo ngại vì cơ chế xin cho hạn ngạch

Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương khiến Thường vụ Quốc hội lo lắng vì giao quá nhiều quyền cho cơ quan quản lý ngành như giao hạn ngạch, chỉ định thương nhân xuất nhập khẩu...

Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương khiến Thường vụ Quốc hội lo lắng vì giao quá nhiều quyền cho cơ quan quản lý ngành như giao hạn ngạch, chỉ định thương nhân xuất nhập khẩu...

Theo tờ trình dự án Luật quản lý ngoại thương được Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú thay mặt Bộ trưởng Công Thương trình bày, đang có quá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định quản lý Nhà nước về hoạt động ngoại thương dẫn đến tản mát, thiếu minh bạch và gây rủi ro cho thương nhân trong áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Vì thế, dự án luật đưa ra một loạt biện pháp hành chính hạn chế xuất, nhập khẩu, như hạn ngạch thuế quan, chỉ định thương nhân xuất nhập khẩu; danh mục hàng cấm xuất, nhập khẩu…

Góp ý kiến về dự án, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói thẳng: “Trong quá trình xuất khẩu, chính nội bộ doanh nghiệp “hạ đo ván nhau”, nói xấu nhau trên thị trường quốc tế, dẫn đến thua về cạnh tranh. Nhưng nhìn vào dự án luật này tôi lại thấy quá nặng nề với những điều khoản quy định đồ sộ, thậm chí còn đang trao quyền lực quá lớn cho Bộ trưởng Bộ Công thương”, ông Phan Thanh Bình nói.

luat-ngoai-thuong-gay-lo-ngai-vi-co-che-xin-cho-han-ngach

Ông Phan Thanh Bình cho rằng có hiện tượng doanh nghiệp Việt "hạ đo ván nhau" trên thị trường quốc tế, gây thua thiệt trong cạnh tranh. Ảnh: VPQH

Cũng theo ông Bình, chuyện giao hạn ngạch là điểm cần hạn chế để tránh xin – cho nhưng dự luật này lại quy định khá đậm, rồi quyền chỉ định thương nhân xuất, nhập khẩu… đều nằm cả trong tay người đứng đầu ngành công thương. “Sự giám sát minh bạch, công bằng mà Bộ Công Thương đưa ra được thể hiện ở những điều khoản luật nào, tôi chưa thấy rõ”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá nghi ngại.

Vấn đề phòng vệ thương mại dù được nêu trong dự án luật, nhưng ông Bình cho rằng chưa bao quát và mới quy định một chiều. “Dự án luật mới đưa ra quy định phòng vệ khi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, chèn ép doanh nghiệp trong nước. Còn doanh nghiệp Việt ra nước ngoài bị chèn ép thì được bảo vệ ở đâu trong dự luật này, tôi chưa thấy rõ”, ông Phan Thanh Bình băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung rõ thêm.

Chủ nhiệm Uỷ ban An ninh - Quốc phòng Võ Trọng Việt thì cho rằng, xuất nhập khẩu lâu nay còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Cung cầu gắn liền với tuyến biên giới nên dễ xuôi một chiều. Ông Việt cũng lưu ý, các nước thủ tục ít nhưng chặt, trong khi ta thủ tục vừa nhiều, nhưng hở, dễ lợi dụng. Do đó mục tiêu của luật này phải làm sao để chất lượng hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam không bị thua thiệt…

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh cho rằng nên quy định Thủ tướng có thẩm quyền quyết định tạm ngừng xuất, nhập khẩu. Nhưng cũng có ý kiến đồng tình với dự thảo, quy định trao quyền này cho Bộ trưởng Bộ Công Thương trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành.

Giữ quan điểm cần ban hành chi tiết danh mục cấm xuất, nhập khẩu; tạm dừng xuất, nhập khẩu ngay trong luật, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện dẫn lại ví dụ hàng tấn chất Salbutamol (cấm trong chăn nuôi) tuồn ra thị trường do chồng chéo, không rõ ràng trong danh mục hàng cấm giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Y tế. “Hàng tấn chất cấm bị đưa ra thị trường mà không bộ nào biết, quản lý hay thu hồi… là rất nguy hiểm”, bà Hải nói.

Cho rằng việc hạn chế, cấm hàng hoá xuất, nhập khẩu là đúng, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm dự án luật này có cần thiết cần đưa danh mục cụ thể, hay giao Chính phủ ban hành để tạo sự linh hoạt, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; nếu không dễ phát sinh tiêu cực.

“Đưa ra hàng rào kỹ thuật bằng biện pháp hành chính phải trên cơ sở thuận lợi, thông thoáng, bớt đi thủ tục hành chính và đảm bảo quyền tự do kinh doanh của thương nhân”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Giải trình rõ thêm về dự án luật, Thứ trưởng Công Thương - Nguyễn Cẩm Tú cho hay, sau khi thảo luận tại phiên họp Chính phủ mới đây, các thành viên Chính phủ thống nhất chọn phương án giao thẩm quyền ban hành danh mục hàng cấm xuất, nhập khẩu; hạn chế xuất, nhập khẩu… cho Bộ trưởng Bộ Công Thương để đảm bảo tính linh hoạt, năng động của thị trường.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng băn khoăn việc dự luật đưa ra tới 21 điều giao Chính phủ ban hành chi tiết là quá nhiều. Có những quy định không thuộc thẩm quyền Thủ tướng, nhưng dự luật cũng ghi giao cho Thủ tướng, như thế là không đúng thẩm quyền.

Phó chủ tịch Quốc hội nhắc lãnh đạo Bộ Tư pháp vắng họp

Trước khi các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi về sự vắng mặt không rõ lý do của đại diện Bộ Tư pháp. Theo ông, Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng trong việc chủ trì, thẩm định các dự án luật quan trọng mà Thường vụ Quốc hội đang xem xét, thảo luận. Nhưng từ đầu phiên họp tới giờ không có bất kỳ đại diện Bộ Tư pháp nào tham dự.

“Không hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo Bộ Tư pháp dù đã được mời họp nhưng không tới tham dự?”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi và đề nghị tổ thư ký gọi điện nhắc nhở lãnh đạo Bộ Tư pháp.

Tại phiên họp thứ 2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng nhắc nhở và phê bình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư vì vắng họp. 


Theo Nguyễn Hoài (VnExpress.net)