Kinh tế

Lợi nhuận 10 tỷ USD, Amazon vẫn không phải đóng một đồng thuế nào

Nhờ chính sách thuế liên bang của Mỹ cho phép các công ty thua lỗ giảm phần thu nhập chịu thuế trong tương lai, nhiều công ty như Amazon đang né được những khoản thuế khổng lồ.

Theo CNN, dù đạt lợi nhuận kỷ lục 10 tỷ USD trong 2018, Amazon không hề nộp một đồng thuế nào cho chính phủ Mỹ trong suốt hai năm qua. Thêm vào đó, công ty này còn nhận được hàng trăm triệu USD tín dụng thuế liên bang trong hai năm 2017 - 2018. Dù vậy, hành vi của Amazon không hề trái luật.

"Amazon né thuế chứ không trốn thuế. Không có dấu hiệu của bất kỳ hành vi phạm pháp nào", Matthew Gardner, thành viên cao cấp tại Viện Chính sách Thuế và Kinh tế Mỹ, nhận định.

Chính sách thuế của Mỹ cho phép các công ty thua lỗ giảm phần thu nhập chịu thuế trong tương lai. Amazon đã thua lỗ hàng tỷ USD trong hai thập kỷ qua. Trong 8 năm đầu tiên từ khi thành lập, công ty của tỷ phú Bezos ghi nhận khoản lỗ 3 tỷ USD. Từ năm 2003, kết quả kinh doanh của Amazon trồi sụt thất thường. Năm gần nhất công ty này báo lỗ là 2014 với khoản thua lỗ 241 triệu USD.

Lợi nhuận của Amazon đã vượt xa nhiều lần mức lỗ nhưng một phần đáng kể trong đó đến từ bên ngoài nước Mỹ. Với phần doanh thu này, Amazon chỉ phải chịu mức thuế thấp hơn hay thậm chí không cần đóng thuế tại Mỹ. Nhiều khoản doanh thu khác còn được khấu trừ bằng tiền đầu tư vào thiết bị máy móc tại các kho hàng khổng lồ của Amazon.

Lợi nhuận 10 tỷ USD, Amazon vẫn không phải đóng một đồng thuế nào
Ông chủ Amazon, Jeff Bezos. Ảnh: Getty.

Khoản tín dụng thuế của Amazon năm 2018 và 2017 lần lượt là 129 triệu USD và 137 triệu USD. Theo báo cáo tài chính thường niên 2018, Amazon vẫn còn 1,4 tỷ USD tín dụng thuế để khấu trừ trong tương lai.

Ở Mỹ, nhiều công ty từng thua lỗ chỉ phải trả rất ít hoặc thậm chí không đóng thuế liên bang. Nhà sản xuất ôtô General Motors (GM) đóng thuế rất ít từ khi thoát cảnh phá sản năm 2009 dù vẫn liên tục công bố lợi nhuận kỷ trong nhiều năm gần đây. CNN ước tính, GM gần như không phải đóng một khoản thuế đáng kể nào trong vài năm tới.

Ngược lại, năm 2016, Amazon đã đóng 1,1 tỷ USD tiền thuế liên bang. Ngoài ra, Amazon cũng đã nộp 533 triệu USD tiền thuế tiểu bang và 1,3 tỷ USD tiền thuế bên ngoài nước Mỹ trong 2 năm qua.

Những người ủng hộ chính sách thuế liên bang cho rằng các khoản tín dụng thuế cho các khoản thua lỗ trong quá khứ, mua sắm thiết bị hay nghiên cứu, phát triển sẽ giúp các công ty đầu tư cho tăng trưởng dài hạn.

Mark Zandi, chuyên gia kinh tế tại Moody’s đánh giá: "Chính sách thuế này có lợi cho các công ty chấp nhận rủi ro và có nhiều tiềm năng phát triển.”

Trong khi đó, ông Gardner nhận đinh các khoản cắt giảm thuế Amazon được hưởng lợi không thật sự cần thiết. "Thật khó thuyết phục khi nói Amazon sẽ tạo ra ít việc làm hơn nếu phải đóng thuế như các công ty khác”, ông Gardner nói.

Amazon từ chối bình luận về việc đóng thuế liên bang của mình. Mới đây, Amazon tuyên bố sẽ từ bỏ kế hoạch tạo thêm 25.000 việc làm tại New York vì phản ứng của giới chính trị gia với khoản ưu đãi thuế trị giá 1,5 tỷ USD được chính quyền thành phố và tiểu bang New York dành cho mình.

Theo Minh Đức (Tri Thức Trực Tuyến)