Kinh tế

Lọc dầu Dung Quất xin xuất khẩu: Chuyện lạ

 Theo chuyên gia, động thái của Dung Quất có thể là để rộng đường cho sau này, khi giá dầu thế giới lên cao thì xuất khẩu kiếm lời.

 Theo chuyên gia, động thái của Dung Quất có thể là để rộng đường cho sau này, khi giá dầu thế giới lên cao thì xuất khẩu kiếm lời.

Bộ Công thương vừa có công văn trả lời Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sau khi đơn vị này đề nghị cho xuất khẩu sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Theo Bộ Công thương, sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất đã được đưa vào cân đối cung cầu xăng dầu hàng năm và về nguyên tắc cần được ưu tiên cho thị trường nội địa nhằm góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nước ngoài, tiết kiệm ngoại tệ, góp phần kiềm chế nhập siêu.

Loc dau Dung Quat xin xuat khau: Chuyen la 
Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

"Do vậy, Bộ Công thương đề nghị BSR tiếp tục đàm phán với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để bán tối đa sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để tiêu thụ, pha chế trong nước", công văn nêu rõ.

Được biết, hiện Nhà máy Lọc dầu DUng Quất đang có công suất khoảng 150.000 thùng/ngày, và chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, thời gian qua, Lọc dầu Dung Quất liên tục kêu khó tiêu thụ sản phẩm do bị tính thuế nhập khẩu cao nên giá thành cao hơn so với sản phẩm nhập khẩu.

Nhìn nhận động thái mới của Lọc dầu Dung Quất, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM coi đây là "chuyện lạ" bởi nhiều năm qua Việt Nam là nước nhập siêu xăng dầu, chưa kể sản xuất của Lọc dầu Dung Quất mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước.

"Điều này có thể xuất phát từ sự chênh lệch giá. Những năm qua, giá xăng dầu ở Việt Nam luôn thấp hơn một số nước khác trong khu vực, phải chăng vì thế mà Dung Quất muốn tận dụng mức giảm ưu đãi thuế quan hướng ra xuất khẩu để hưởng chênh lệch, giải quyết phần nào khó khăn của nhà máy", ông Ngãi dự đoán.   

Vị chuyên gia nhấn mạnh, cũng có thể Dung Quất đã tìm được thị trường cho sản phẩm của họ để cứu lấy nhà máy trong lúc khó khăn và sự năng động đó cũng là điều tốt. Nhưng như đã nói, Việt Nam đang phải nhập siêu các sản phẩm xăng dầu, nếu Dung Quất đón đầu giá xăng dầu thế giới sẽ tăng lên nên chuẩn bị để xin phép xuất khẩu thì điều đó là không nên.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) nhìn nhận, việc Lọc dầu Dung Quất xin xuất khẩu xăng dầu là muốn rộng đường sau này chứ không phải phục vụ cho trước mắt bởi hiện giá nhập khẩu xăng dầu còn rẻ.

"Cái Dung Quất muốn rộng đường ở đây chính là họ muốn xin quyền kinh doanh, quyền nhập, quyền xuất, quyền miễn giảm thuế... Họ cứ xin sẵn để đấy bởi giá dầu thế giới đang có xu hướng đi lên, khi nào giá dầu lên đến mức xuất khẩu lãi hơn bán trong nước, cảm thấy có lợi cho mình Dung Quất sẽ thực hiện quyền đấy. Một khi giá dầu thế giới tăng cao, Dung Quất lại đã nắm trong tay quyền xuất khẩu xăng dầu thì họ sẽ chọn con đường ấy để có lợi nhuận cao hơn. Dung Quất là nhà kinh doanh nên mọi tính toán đều có tính chiến lược", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận xét.

Sự từ chối hợp lý

Về việc Bộ Công thương từ chối cho Lọc dầu Dung Quất xuất khẩu xăng dầu được hai vị chuyên gia đánh giá là hợp lý, nhất là ở vào thời điểm này.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, trong thời điểm Việt Nam còn đang phải nhập siêu xăng dầu, công suất của Lọc dầu Dung Quất lại mới chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu trong nước, do đó, Bộ Công thương từ chối cho Dung Quất xuất khẩu là hướng giải quyết đúng đắn và hợp lý.  

"Khi Việt Nam đang phải nhập khẩu xăng dầu liên tục mà Lọc dầu Dung Quất lại đặt vấn đề xuất khẩu thì phải xem lại mục tiêu đặt ra cho nhà máy này là gì?

Ngay từ đầu, con đường đặt ra khi xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu, trong đó chủ lực là lấy nguyên liệu trong nước chế biến để đáp ứng nhu cầu trong nước thay thế hàng nhập khẩu, chủ động về thị trường xăng dầu Việt Nam.

Bây giờ Dung Quất xin xuất khẩu có thể do thị trường thay đổi nhưng một doanh nghiệp giỏi, đáp ứng được nhu cầu trong nước, sản phẩm dư thừa, có khả năng xuất khẩu để cạnh tranh với doanh nghiệp thế giới, điều đó có thực sự xảy ra trong trường hợp này hay không? Tôi không tin là như vậy", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nói.
 

Còn PGS.TS Nguyễn Văn Nam lại cho rằng, cả Bộ Công thương và phía Lọc dầu Dung Quất đều biết được ý định của nhau, đều có đường đi nước bước muốn mở rộng quyền của mình để tương lai dễ hành động. Chính vì thế, việc Bộ Công thương từ chối cho Dung Quất xuất khẩu cũng là điều dễ hiểu.

"Thời điểm này chưa dự đoán được thị trường sẽ thế nào nên có lẽ Bộ Công thương muốn cầm chắc. Hơn nữa, Bộ cũng xác định nhiệm vụ chính của Dung Quất là phục vụ nhu cầu xăng dầu trong nước, trong khi nhà máy này mới chỉ đáp ứng được 30-40%, do đó trước mắt Dung Quất chưa được xuất khẩu là phù hợp", ông Nam nói.

Vị chuyên gia lưu ý, Dung Quất nhiều lần lấy khó khăn trước mắt để xin ưu đãi, trong khi thực tế, ngay từ khi chấp nhận đầu tư dự án này đã được hưởng rất nhiều ưu đãi. Như động thái xin xuất khẩu sản phẩm xăng dầu, họ xin để nay mai có lợi nhuận cao hơn.

"Năm ngoái, mặc dù kêu khó song BSR, đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn báo cáo sản xuất kinh doanh khá khả quan khi đạt tổng doanh thu hợp nhất là 94.400 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, lợi nhuận nhất sau thuế năm 2015 đạt 5.690 tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch.

Chính vì thế, Dung Quất kêu thì cứ kêu, vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước có tỉnh táo hay không", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Theo Thành Luân (Báo Đất Việt)