Kinh tế

Lo lợi ích nhóm nếu cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Bộ

Lợi ích nhóm, sân sau vẫn tồn tại nếu cơ quan cạnh tranh tiếp tục thuộc Bộ chủ quản khi sửa đổi Luật cạnh tranh. 

Lợi ích nhóm, sân sau vẫn tồn tại nếu cơ quan cạnh tranh tiếp tục thuộc Bộ chủ quản khi sửa đổi Luật cạnh tranh. 

Giải trình về dự luật, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, qua kinh nghiệm thực tiễn và ở các nước, dù cơ quan quản lý cạnh tranh nằm trong nhánh nào thì cũng phải có vị trí pháp lý, khung chính sách để đảm bảo khách quan, công bằng trong điều hành, cũng như thực hiện chức năng quản lý về cạnh tranh. Sau 12 năm thực hiện quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra chính thức 8 vụ, xử lý thông qua hình thức xử phạt và hình thức khác với số tiền 5,5 tỷ đồng.

Về con số này, bà Lê Thị Nga  - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp tỏ ra không hài lòng. "Nói luật hiện hành đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử mà trong 12 năm chỉ xử lý được 8 vụ thì chưa ổn. Vụ việc gây bức xúc vừa qua như biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp liên quan đến điện, xăng mà dư luận nêu lên, sao không xử lý được?", bà Nga đề nghị nêu cụ thể 8 vụ việc đã được điều tra. 

co-quan-quan-ly-canh-tranh-khong-nen-thuoc-bo-cong-thuong

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga lo lắng cơ quan quản lý cạnh tranh vẫn thuộc Bộ chủ quản thì khó "gạt" được lợi ích nhóm, sân sau. Ảnh: quochoi.vn

"Với cơ chế 'lùng nhùng' vừa quản lý Nhà nước vừa là cơ quan tố tụng cạnh tranh, lại vừa chủ quản các doanh nghiệp thì có thể giải quyết được bất cập, có tránh được sân sau, lợi ích nhóm hay không?", bà Nga đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh chỉ khi sửa Luật Cạnh tranh theo hướng xây dựng cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập với Bộ chủ quản, mới hy vọng bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng. 

Nhưng hiện lại sửa đổi Luật theo hướng cơ quan chủ quản trở thành Cơ quan cạnh tranh Quốc gia, tức là Cục Quản lý cạnh tranh trở thành cơ quan tố tụng, theo bà Nga, cần hết sức cân nhắc. Bởi khi cơ quan chủ quản lại quản lý một số doanh nghiệp lớn sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm, sân sau, bắt tay “kinh tế ngầm”. Lấy ví dụ về cạnh tranh trong lĩnh vực xăng dầu, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đặt câu hỏi khi có 12 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng riêng thị phần 2 doanh nghiệp là PetroVietnam, PV Oil đã chiếm tới 90%. Nhiều dấu hiệu cho thấy đây là nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, trong khi luật cấm thông giá, nhưng không được điều tra do cơ quan chủ quản của Petrolimex, PV Oil đều thuộc Bộ Công Thương.

Về quản lý xăng dầu, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, việc tập trung các doanh nghiệp đầu mối, chiếm thị phần có thể nói là chi phối thị trường. Đây cũng chính là hành vi chịu sự điều chỉnh của luật này. Thừa nhận thực tế vừa qua Bộ Công Thương vừa là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu, vừa trực tiếp điều hành cơ quan cạnh tranh, nhưng Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh, các doanh nghiệp xăng dầu đều hoạt động theo nguyên tắc của Nghị định 83. Chưa kể, Bộ này cũng đang đẩy mạnh việc thoái vốn Nhà nước, cổ phần hoá số doanh nghiệp Nhà nước thuộc quyền quản lý. 

Do đó theo ông, cần hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và điều hành quản trị doanh nghiệp Nhà nước.  "Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu làm rõ nguy cơ mà các đại biểu lo ngại", ông Tuấn Anh nói. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Việt Nam hiện có 2 cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh là Cục quản lý cạnh tranh (thuộc Bộ Công Thương) và Hội đồng Cạnh tranh. Để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về cạnh tranh, ông Thanh cho rằng, cơ quan quản lý cạnh tranh phải là cơ quan độc lập, không thể trực thuộc Bộ Công Thương hay bất kỳ bộ, ngành nào. "Theo kinh nghiệm thế giới, cơ quan quản lý cạnh tranh nên trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội", ông Thanh góp ý.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)