Kinh tế

Lazada đóng cửa văn phòng Hà Nội, tập trung nhân sự vào TP.HCM?

Đại diện Lazada bác thông tin hãng đóng cửa văn phòng Hà Nội, giải thích rằng họ chỉ tập trung nhân sự vào TP.HCM và sẽ tăng cường đầu tư, mở rộng logistic tại khu vực phía Bắc.

Theo nguồn tin của chúng tôi, hãng thương mại điện tử Lazada đã đóng cửa văn phòng tại Hà Nội. Nhiều nhân sự được điều chuyển vào TP.HCM hoặc nghỉ việc. 

Động thái này được cho rằng sau khi Alibaba mua lại Lazada Đông Nam Á, hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc sẽ thay đổi Lazada, giống như việc đóng cửa loạt trung tâm tại nhiều nước tại Đông Nam Á và trên thế giới.

Sáng 2/5, trao đổi với chúng tôi, đại diện hãng thương mại điện tử này bác bỏ thông tin đóng cửa văn phòng tại Hà Nội, và nói rằng việc này chỉ là “tập trung nhân sự” vào văn phòng TP.HCM.

"Chúng tôi tập trung bộ máy kinh doanh tại TP.HCM, tiếp tục đầu tư và mở rộng logistic tại khu vực phía Bắc”, đại diện Lazada nhấn mạnh.

Lazada đóng cửa văn phòng Hà Nội, tập trung nhân sự vào TP.HCM?
Alibaba đã chi 1 tỷ USD để mua lại Lazada tại Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, đại diện này cũng không nói rõ văn phòng tại Hà Nội sẽ hoạt động như thế nào, chỉ cho biết nhu cầu mua sắm ngày càng tăng của khách hàng khu vực phía Bắc, hãng đang mở rộng bộ phận logistic tại Hà Nội, bao gồm nhà kho, đội ngũ giao hàng và các bộ phận vận hành khác.

Còn tại TP.HCM, hãng đang mở rộng phát triển nhân lực khối thương mại và công nghệ. Vì thế, một số nhân sự liên quan đến công tác văn phòng và phát triển kinh doanh tại Hà Nội đã chuyển địa điểm làm việc vào TP.HCM, với mục tiêu thống nhất bộ máy quản lý và tạo điều kiện cho công tác huấn luyện đào tạo.

“Tất cả nhân viên này vẫn sẽ đảm nhiệm vị trí tương đương, hoặc sắp xếp công việc theo nguyện vọng của họ và chính sách của công ty. Họ đồng thời nhận được gói hỗ trợ trong thời gian đầu khi chuyển nơi làm việc vào văn phòng TP.HCM”, đại diện hãng này cho biết.

Lazada mở văn phòng tại Hà Nội vào năm 2015, với đội ngũ nhân sự khoảng 100 người. Việc đóng cửa văn phòng tại Hà Nội giống như việc hãng này đã làm tại một số nơi trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều người cho rằng hãng này đang xây dựng chiến lược thống nhất và tập trung hóa bộ máy nhân sự, để thực hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á, sau khi Alibaba chi 2 tỷ USD mua lại và cử lãnh đạo cao cấp của tập đoàn vào quản lý hệ thống.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)