Kinh tế

Lập ban chỉ đạo giải quyết các tồn tại ở 4 "cục nợ" thuộc Vinachem

Ban chỉ đạo mới được thành lập có nhiệm vụ giúp Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Chính phủ và Ban chỉ đạo Bộ Công Thương xử lý các tồn tại ở những dự án cũng như doanh nghiệp thuộc Tập đoàn.

Ban chỉ đạo mới được thành lập có nhiệm vụ giúp Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Chính phủ và Ban chỉ đạo Bộ Công Thương xử lý các tồn tại ở những dự án cũng như doanh nghiệp thuộc Tập đoàn.
 
 Trong năm 2016, lợi nhuận hợp nhất của Vinachem ước lỗ 627 tỷ đồng.

Theo tin từ Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) hồi cuối tháng 1 đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn của một số dự án như Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc và dự án Nhà máy DAP số 2...

Theo quyết định thành lập này thì Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Hóa chất sẽ là trưởng Ban chỉ đạo. Tổng giám đốc Tập đoàn làm phó trưởng ban. 20 thành viên còn lại thuộc Ban chỉ đạo đang đảm nhận các vị trí, công việc liên quan khác.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Chính phủ và Ban chỉ đạo Bộ Công Thương xử lý các tồn tại ở những dự án cũng như doanh nghiệp thuộc tập đoàn. Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Hội đồng thành viên Tập đoàn.

Các dự án và doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất cần giải quyết các vấn đề tồn tại gồm Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình/Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc/Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và dự án Nhà máy DAP số 2/Công ty cổ phần DAP số 2- Vinachem và Công ty cổ phần DAP - Vinachem.

Theo báo cáo của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) về kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2016, doanh thu ước đạt 41.931 tỷ đồng, giảm 8,4% so với năm 2015. Đáng lưu ý, trong năm 2016, lợi nhuận hợp nhất của Vinachem ước lỗ 627 tỷ đồng ; trong đó lãi phát sinh là 2.745 tỷ đồng, lỗ phát sinh là 3.372 tỷ đồng.

Lỗ phát sinh của Vinachem tập trung vào 4 đơn vị trên. Đây cũng chính là 4 dự án nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành đang được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý.

Báo cáo của Vinachem nêu rõ, ngành sản xuất phân đạm và phân DAP lại gặp rất nhiều khó khăn do giá bán urê và DAP trên thế giới và trong nước giảm quá mạnh dẫn tới các các đơn vị phải giảm sản xuất, dừng máy và phát sinh lỗ. Do chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị và doanh thu của Tập đoàn nên sự sụt giảm của sản xuất phân đạm ure, phân DAP dẫn tới kết quả chung về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu và đặc biệt chỉ tiêu hiệu quả của toàn Tập đoàn trong năm 2016 giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2016 diễn ra vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận những nỗ lực cố gắng trong việc duy trì tăng trưởng khá đối với một số phẩm truyền thống, có thế mạnh (pin, ắc quy, chất tẩy rửa, hóa chất cơ bản, khí công nghiệp).

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Hóa chất thẳng thắn nhìn nhận về chất lượng đầu tư một số dự án còn hạn chế trong khâu quy hoạch, lập dự án đầu tư dẫn đến thua lỗ. Phó Thủ tướng yêu cầu Vinachem cần tập trung quyết liệt để thực hiện một số vấn đề, trong đó phải giữ vững mục tiêu tiếp tục xây dựng Vinachem trở thành Tập đoàn đi đầu trong sản xuất, kinh doanh hóa chất cơ bản và sản phẩm hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn khẳng định, năm 2017, Tập đoàn sẽ nắm bắt cơ hội và tích cực thực hiện các giải pháp, phát huy nội lực để chặn đà suy giảm của sản xuất kinh doanh, khôi phục lại tăng trưởng, đảm bảo sản xuất kinh doanh có lãi.

Theo Phương Dung (Dân Trí)