Kinh tế

Làng tỷ phú: Xuất ngoại sắm xe sang, lấy vợ nước ngoài

Hơn chục năm trước thôn 5, xã Hòa Khương là một trong những làng khó nghèo nhất nhì xã. Bây giờ, làng nghèo đã thay da đổi thịt. Nhà lầu, biệt thự, xe sang lũ lượt kéo nhau về làng mỗi khi Tết đến.

Hơn chục năm trước thôn 5, xã Hòa Khương là một trong những làng khó nghèo nhất nhì xã. Bây giờ, làng nghèo đã thay da đổi thịt. Nhà lầu, biệt thự, xe sang lũ lượt kéo nhau về làng mỗi khi Tết đến.
Giàu từ nghề chủ thầu
 
Trong số hàng chục nhà tầng, biệt thự được xây gần đây, to lớn và lộng lẫy nhất huyện Hòa Vang phải kể đến ngôi biệt thự của ông Nguyễn Bảy - ông chủ thầu xây dựng nổi tiếng của làng trên đất Lào. Đó là một khối nhà 3 tầng, đồ sộ giữa không gian làng quê yên bình. Nơi cổng vào được ông Bảy cho xây dựng hàng rào cách điệu rất quy mô.
 
Ông Nguyễn Bảy mới từ Lào về, lặng lẽ ngồi ở góc sân theo dõi hàng chục công nhân đang làm việc, thỉnh thoảng chỉ tay bảo nhóm thợ làm theo ý mình.
 
Ông Bảy khiêm tốn nói: “Người ta đồn bảo tôi xây ngôi biệt thự này hàng chục tỷ. Làm gì đến cái giá đó, thiết kế tự tôi làm, rồi thuê nhân công, tự đứng ra mua vật liệu, chắc hết khoảng 3 tỷ thôi. Nhà xây để ở chứ có khoe khoang đâu”.
 
 
 

Biệt thự nguy nga tráng lệ của ông Nguyễn Bảy đang trong giai đoạn hoàn thiện.

 
“Đây là ngôi biệt thự tôi xây cho một đại gia bên Lào rồi chụp lại. Bây giờ ở đó ai cũng thích biệt thự như vậy nên tôi lấy mẫu về làng xây ở cho mát”.
 
Ông Bảy sang Lào làm ăn từ năm 1997. “Hồi mới sang, tôi cùng nhóm anh em được một số người Việt giúp đỡ, xin giúp vào làm tại một công ty của Lào. Có việc làm, thu nhập tốt, nhưng khó khăn nhất vẫn là ngôn ngữ. Vì vậy, cả nhóm anh em quyết học tiếng Lào”. Nhờ cần mẫn cộng với sự chăm chỉ, hơn 3 năm sau vừa làm vừa học tiếng, chúng tôi đã giao tiếp được. Cả nhóm đứng ra thành lập công ty nhỏ nhận thầu lại công trình.
 
Thời gian đầu, để tìm được mối làm ăn, những người Việt mới qua không chỉ cạnh tranh với người Lào mà cạnh tranh ngay cả với người Việt. Công việc ban đầu khá khó khăn. Sau 2 năm, anh Bảy đã tìm được chỗ đứng cho riêng mình.
 
Câu chuyện về làng giàu và những nông dân đi chân đất, cưỡi ô tô sang lấy vợ ngoại về làng xây biệt thự như ông Bảy không hiếm. Bí thư chi bộ thôn 5, ông Trương Văn Phẩm, nhẩm tính trong thôn có cả chục người như ông Bảy. Phần lớn họ đi lên từ đôi bàn tay trắng, vài người qua Lào làm ăn rồi cưới luôn vợ Lào và chung sống khá hạnh phúc.
 
Còn phần lớn thanh niên trai tráng sang Lào làm thuê, dù chưa giàu nhưng thu nhập ổn định, đổi đời sau một thời gian làm việc.
 
 

Nhiều người tậu được nhiều xe con với biển số đẹp.

 
Trong số thanh niên sang Lào làm ăn thành công và trở thành ông chủ trẻ phải kể đến Mai Văn Phước.
 
Đây là thế hệ thứ hai của làng qua Lào làm ăn. Ngày đó, anh Phước chỉ có 2 bàn tay trắng, chưa vợ con. Sau hơn 5 năm miệt mài làm công và tự học tiếng Lào, nhờ tay nghề giỏi, lại cần mẫn, Phước đã thành lập được công ty chuyên nhận công trình. Vận may mỉm cười khi anh cưới được một cô gái Lào xinh đẹp. Kể từ đó, Phước gắn bó với mảnh đất Lào và ăn nên làm ra.
 
“Muốn làm ăn được ở xứ người phải chăm chỉ, bản lĩnh, nhất là phải hiểu tiếng địa phương mới mở rộng được quan hệ. Tôi có may mắn là mấy năm sau quen một cô gái Lào và bây giờ là vợ. Nhờ ổn định, lại được gia đình vợ giúp sức nên làm ăn khấm khá” - Phước kể.
 
Cả làng ăn nên làm ra
 
Kể về ngôi làng giàu có, Bí thư Trương Văn Phẩm cho hay, thanh niên trong làng sang Lào làm công nhân xây dựng, ông chủ cũng là người làng nên nương tựa nhau. Chỉ cần bỏ sức làm, ăn ở thì có chủ nuôi, đến khi hết việc về quê ông chủ thanh toán nên gom được món tiền về xây nhà.
 
Nhờ đó, bộ mặt làng quê thay đổi hẳn. Đường bê tông được xây dựng. Nhiều người đi Lào đứng ra đóng góp tiền làm đường, kéo điện thắp sáng, góp sức đưa thôn 5 đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới trong năm 2014 vừa qua.
 

Bà Lê Thị Kiên hiện có con trai và con dâu đang làm việc tạo Lào.

 
Đau đáu nhớ đứa con đang làm ăn ở Lào, bà Lê Thị Kiên (thôn 5, xã Hòa Khương) vẫn nhớ như in ngày thằng con trai duy nhất Đinh Ngọc Thương ra đi khiến bà khóc hết nước mắt. Đó là vào tháng Giêng năm 2005.
 
“Nhà có mỗi mình nó. Làm ruộng đầu tắt mặt tối bao năm mà đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo nên tôi mới gật đầu cho đi”.
 
Anh Thương sang Lào được gần 3 năm thì về quê cưới vợ, sinh 2 đứa con gửi bà chăm sóc rồi hai vợ chồng tiếp tục qua Lào làm ăn. Đến nay, kinh tế gia đình đã ổn định, nhà cửa được sửa sang to đẹp hơn. Cho người làng thuê lại hơn 1 mẫu ruộng, bà Kiên ở nhà lo cho 2 đứa cháu để vợ chồng Thương an tâm làm ăn.
 
Thôn 5 xã Hòa Khương giờ là làng độc nhất có nhiều người xuất ngoại sang Lào làm ăn, mang lại cuộc sống ấm no. Lớp trẻ ngày nào lớn lên, học xong cấp 2, cấp 3 là sang Lào làm ăn.
 
Hiện nhiều nhà có 2-3 người xuất ngoại sang Lào, cứ đến Tết là kéo nhau về khiến làng thôn 5 vui như hội.
 
Hàng chục nhà tầng mọc lên tại thôn 5, xã Hòa Khương hầu hết là của thanh niên đi Lào xây lên:
 
 
 
 
 
 
 
 
Theo Lê Minh - Vũ Trung (VietNamNet)