Kinh tế

Làm 3 tháng giáp Tết, đủ ăn cả năm nhờ cây phát lộc

Có giá từ 50.000 đồng cho đến 6-7 triệu đồng/chậu, cây phát lộc đang mang lại thu nhập cao cho bà con ở xã Minh Tân, Đông Hưng, Thái Bình.

Có giá từ 50.000 đồng cho đến 6-7 triệu đồng/chậu, cây phát lộc đang mang lại thu nhập cao cho bà con ở xã Minh Tân, Đông Hưng, Thái Bình.

Gắn bó với nghề làm cây phát lộc gần 10 năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Cúc (Minh Tân, Đông Hưng, Thái Bình) từ nghèo túng cũng dần có của ăn của để. Chị Cúc cho biết, làm cây phát lộc hiện là nghề mang lại thu nhập chính cho  gia đình. Vào 3 tháng Tết, 3 người làm trong gia đình thu nhập bình quân khoảng 25-30 triệu đồng/tháng, gấp hàng chục lần các tháng khác trong năm và hơn nhiều so với làm nông nghiệp.

 

Cây phát lộc thường được làm theo 2 dáng chậu và lộc bình. Tùy thuộc vào chậu to nhỏ, phức tạp mà có giá dao động từ 50.000 đồng cho đến 6-7 triệu đồng/sản phẩm. Loại cây này được mua bán quanh năm, nhưng từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch là thời điểm tiêu thụ mạnh nhất. Các tháng bình thường, thu nhập từ cây phát lộc chỉ khoảng 3-3,5 triệu đồng/hộ gia đình 3-4 người làm. 

 

Mỗi chậu phát lộc, hoặc lộc bình có thể chơi được từ 1 đến 2 năm, thậm chí nếu khách chịu khó chăm, tỉa cũng có thể chơi đến 3 năm. 

 

Các công đoạn làm cây nhanh gọn nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Theo chị Cúc, bỏ qua công đoạn cắt cây, tỉa lá và đóng khung, một chậu  cây loại vừa mất từ 2 đến 3 tiếng để hoàn thiện. 

 

"Đầu tiên, phải chọn làm sao cho các thân cây to bằng nhau, già đều, để khi làm bình mới không bị gãy. Khi xếp cây, các mắt ở thân phải quay ra ngoài và theo một hướng nhất định. Riêng chậu phát lộc phải làm trước Tết khoảng 2-3 tháng, để cây có thời gian nảy lộc, cách làm cũng phức tạp hơn. Theo đó, giá cũng cao hơn 30.000-50.000 đồng/chậu", chị Cúc chia sẻ. 

 

Theo bà Nguyễn Thị Hương, thôn Đình Phùng, xã Minh Tân, Đông Hưng, Thái Bình, nghề này có ở làng gần 10 năm nay. Bắt đầu tư ông Nguyễn Văn Vinh, một người dân trong làng đi Trung Quốc chơi, thấy có trưng bày cây này nên nghiên cứu về tự làm. Sau mọi người cũng bắt chước làm theo và được nhiều khách hàng ở các nơi đến mua. Dần dần, bà con vừa làm vừa sáng tạo ra những dáng khác nhau, đẹp hơn và cho kinh tế cao hơn. 

 

Cuối năm, thị trường tiêu thụ mạnh nên nguồn cây phát lộc ở trong làng không đủ. Hầu hết các hộ gia đình phải sang các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng, và lên cả Hà Nội để mua về làm. 

 

Giá bán mỗi chậu cây phát lộc dao động từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng (loại tháp cao 3 tầng đến 7 tầng). Cá biệt loại 19 tầng (cao gần 2 m) khoảng 6-7 triệu đồng/chậu. Trung bình mỗi chậu chưa kể cây, phí mua dây đai, keo, xi gắn...mất gần 100.000 đồng, trừ chi phí người làm có lãi gấp ba, gấp bốn lần. 

 

Chậu cây hình cánh chim công do người làng sáng tạo ra, giá chỉ 200.000 đồng.

 

Anh Nguyễn Văn Duyệt, chuyên bán buôn các loại dáng cây phát lộc cho biết, loại cây này bán được quanh năm. Ngoài chơi Tết thì nhu cầu mua về thờ, làm cảnh trong nhà, cũng như cưới hỏi khá nhiều. Mỗi ngày, anh bán đi khoảng 10 chậu các loại, cho thu hơn 1 triệu đồng. Riêng thời điểm giáp Tết, anh bán được 50-60 cây, doanh thu lên đến 30 triệu đồng/ngày. Giáp Tết năm nay, anh Duyệt còn nhận được đơn hàng ở Bắc Giang lên đến 50 triệu đồng. 

 

Ông  Nguyễn Văn Thế, Bí thư Chi bộ thôn Đình Phùng cho biết: "Nhờ nghề làm phát lộc mà thu nhập của các hộ gia đình khá hẳn lên. Mấy năm gần đây, làng mọc lên nhiều nhà cao tầng, mức sống cũng hơn hẳn so với trước".  

 

Theo Ngọc Lan (Zing.vn)