Kinh tế

Lãi suất huy động tăng, người vay tiền dễ thiệt

Một số ngân hàng thương mại trong khoảng 2 tuần qua đã tăng lãi suất huy động tiền gửi các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng.

Một số ngân hàng thương mại trong khoảng 2 tuần qua đã tăng lãi suất huy động tiền gửi các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng.

Cần lường trước những biến động lãi suất khi vay tiền - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo các chuyên gia tài chính, điều này sẽ khiến mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng theo, ảnh hưởng đến người đi vay.

Lãi suất kỳ hạn ngắn đang được điều chỉnh tăng ở mức phổ biến từ 0,2 - 0,4 điểm phần trăm. Thậm chí, theo báo cáo của Công ty chứng khoán MB (MBS), lãi suất huy động đang tăng nhẹ ở một số ngân hàng thương mại không chỉ kỳ hạn ngắn mà cả các kỳ hạn trên 12 tháng.

Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng cũng tăng khá nhanh trong nửa đầu tháng 6 do nhu cầu vốn ngắn hạn tăng lên ở một số ngân hàng. Với chỉ số giá tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, giá điện, dịch vụ y tế và nhu cầu tín dụng ngày càng cao khi tăng trưởng kinh tế có chiều hướng cải thiện đáng kể, Công ty MBS dự báo lãi suất có thể tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới. Việc tăng lãi suất huy động tất yếu sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng.

Theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những người đi vay, đặc biệt là những khách hàng đã vay trong năm 2014 và hiện đến thời kỳ điều chỉnh lãi suất.

Trong năm 2014, khi các ngân hàng dồi dào lượng tiền mặt thì các chương trình vay ưu đãi với lãi suất hấp, thậm chí có ngân hàng còn đưa ra chương trình vay với lãi suất 0%. Tuy nhiên, trên thực tế những mức lãi suất cho vay ưu đãi của các ngân hàng thường chỉ áp dụng 1 - 6 tháng đầu của hợp đồng.

Thời gian còn lại lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh theo thị trường, thường với mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cộng thêm một biên độ nhất định theo quy định của từng ngân hàng (phổ biến cộng thêm 4 - 6%/năm).

Bên cạnh đó, thời gian điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng sẽ dao động từ 3 tháng đến 6 tháng/lần. Vì vậy, trước tiên khách hàng phải xem kỹ các điều khoản hợp đồng có liên quan đến thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi, biên độ cộng thêm khi lãi suất thả nổi theo thị trường sau đó cũng như thời gian điều chỉnh lãi suất là bao lâu…

Bởi không ít khách hàng cá nhân trong thời gian vay khi lãi suất thấp thì đủ khả năng chi trả nhưng khi lãi suất điều chỉnh tăng thì việc thanh toán lãi cho ngân hàng bị “đuối”.

“Khách hàng cá nhân nên tính toán và đề nghị phía ngân hàng cung cấp bảng dự toán số tiền lãi suấtphải trả trong suốt thời gian vay (bao gồm cả mức lãi suất điều chỉnh dự kiến) để lên kế hoạch trả nợ phù hợp nhất cho mình. Đồng thời, khách hàng cũng phải chú ý đến các khoản phí mà ngân hàng sẽ thu xoay quanh việc trả nợ chậm hay thanh toán trước hạn. Từ đó, quyết định nên tất toán trước hạn hay tiếp tục hợp đồng vay”, vị chuyên gia nói trên lưu ý.
 
>> Bất ngờ tăng lãi suất tiền gửi
 
Theo Thảo Vy (Thanh Niên Online)