Kinh tế

Lãi suất huy động tăng do các ngân hàng cần làm đẹp sổ sách

Chuyện các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động những ngày qua được cho là cách làm đẹp sổ sách, báo cáo tài chính ngân hàng 6 tháng đầu năm.

Chuyện các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động những ngày qua được cho là cách làm đẹp sổ sách, báo cáo tài chính ngân hàng 6 tháng đầu năm.

Mức tăng phổ biến từ 01,% đến 0,3% cho các kỳ hạn. Như Vietcombank kỳ hạn 3 tháng tăng từ 5% lên 5,1%, kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5.4% lên 5,5%. Sacombank áp dụng mức lãi suất mới từ ngày 7/7 với kỳ hạn 2 tháng tăng 0,2% lên 5,0%; kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng tăng 0,1% lên tương ứng 5,0% và 5,9%; kỳ hạn 4-5 tháng tăng 0,1%-0,2% lên 5,5%; kỳ hạn 7-11 tháng tăng mạnh 0,4% lên 5,9%, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,3% lên 6,8%, kỳ hạn 15-18 tháng và 24-36 tháng tăng lần lượt 0,25% và 0,2% lên 6,8%...

Lãi suất mới của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) áp dụng từ ngày 6/7/2016, điều chỉnh tăng thêm 0,1% đối với kỳ hạn 4 tháng từ 5,2% lên 5,3%. Tuy nhiên, lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài 12 – 15 tháng giảm 0,1%, từ 6,9% xuống 6,8%.

Lai suat huy dong tang do cac ngan hang can lam dep so sach hinh anh 1
Nguyên nhân ngân hàng tăng lãi suất huy động từ cuối tháng 6 đến nay được cho là do ngân hàng cần huy động vốn để làm đẹp số liệu trong báo cáo 6 tháng đầu năm. Ảnh:N.Ý

Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng tuần vừa qua lại đồng loạt giảm trở lại với biên độ giảm từ 0,2 - 0,3% ở cả ba kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,31% về mức 1,46%/năm. Tương tự, kỳ hạn 1 tuần giảm 0,25% về mức 1,74%/năm; kỳ hạn 2 tuần giảm 0,22% về mức 1,98%/năm.

Phân tích về lãi suất liên ngân hàng tuần từ 4/7 - 8/7, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, diễn biến giảm nhẹ trở lại của lãi suất liên ngân hàng sau một tuần bật tăng cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn đang trong trạng thái tương đối tích cực. Đây là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động (ít nhất là trong ngắn hạn), bất chấp rủi ro lạm phát đang dần gia tăng.

Trước đó, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng cho rằng lãi, suất huy động sẽ tăng trở lại ở một số ngân hàng nhỏ, chưa đáp ứng được các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực lại cho rằng, lãi suất huy động khó tăng trong 6 tháng cuối năm nay.

Phân tích nguyên nhân lãi suất đang tăng, ông Lực cho biết, do thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm nên các ngân hàng cũng cần tăng huy động vốn để "làm đẹp" cho số liệu sổ sách, báo cáo tài chính của các ngân hàng. Thực tế thì lãi suất huy động khó tăng.

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, có 2 yếu tố khiến lãi suất phải nằm yên. Thứ nhất là yếu tố lạm phát trong năm nay được dự báo ở mức 5%. Vì vậy, so với lãi suất tiền gửi phổ biến từ 5,5 % - 6% thì người gửi tiền đã có lãi suất thực dương.  

Thứ hai, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện đang rất dồi dào. Trong 6 tháng đầu năm, huy động vốn toàn ngành ngân hàng (tăng 8%), cao hơn hẳn mức cho vay, nên các ngân hàng sẽ khó tăng lãi suất huy động. Chưa tính tới yếu tố các ngân hàng còn phải hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Lực cũng chia sẻ quan điểm về việc Kho bạc Nhà nước có kế hoạch huy động 40.000 tỷ trái phiếu Chính phủ trong 6 tháng cuối năm, và việc giá vàng tăng đã kéo theo một lượng nhà đầu tư rút tiền gửi hoặc vay vốn để mua vàng, ảnh hưởng như thế nào đến yếu tố lãi suất. Theo nhận định chủa chuyên gia này, kế hoạch huy động trái phiếu Chính phủ nửa cuối năm chỉ bằng 1/4 so với con số đã huy động được, là 182.000 tỷ của 6 tháng đầu năm. Vì vậy, kế hoạch này sẽ  không ảnh hưởng tới việc huy động vốn, cũng như cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần.

Còn việc người dân đổ xô đi mua vàng trong vài ngày đầu tháng 7, ông Lực cho rằng, đây chỉ là yếu tố nhất thời nên không tác động nhiều tới thanh khoản của hệ thống ngân hàng.  

Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng dự báo, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng sẽ đạt 16% - 18% so với mục tiêu 18 – 20% đề ra của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến 30/6, tín dụng ngành ngân hàng đã tăng 7,1%. Nên mục tiêu 6 tháng cuối năm khoảng 10% là hoàn toàn khả thi, khi thời điểm cho vay thường rơi vào những tháng cuối năm. 

Theo Phương Diệp (Zing.vn)