Kinh tế

Lại chiêu mạo danh bưu điện hù dọa đòi chuyển tiền

Tội phạm thẻ ngân hàng lại dùng chiêu mới, gọi điện giả nhân viên bưu điện thông báo về việc chủ số điện thoại đang nợ một số tiền... để đòi tiền.

Lại chiêu mạo danh bưu điện hù dọa đòi chuyển tiền

Thêm một hình thức lừa đảo, mạo danh bưu điện để hù dọa, yêu cầu chuyển tiền người dân cần cảnh giác để tránh bị thiệt hại.

Ông L.V.N. (TP.HCM) cho biết trưa 1-11 ông bất ngờ nhận được điện thoại qua số máy bàn tại nhà. 

Đầu dây bên kia phát sẵn nội dung ghi âm xưng là bưu điện thông báo ông có một thư bảo đảm nhưng bưu điện phát thư nhiều lần cho ông không được. Nếu muốn biết thêm chi tiết yêu cầu bấm số 9.

Sau khi bấm số 9 theo hướng dẫn, ông được nghe giọng một nam thanh niên, nói tiếng Bắc rằng do phát thư nhiều lần cho ông không được nên thư đó đã bị hủy, chỉ còn lưu lại nội dung trên hệ thống máy tính. 

Nội dung thư là ông đã bị kẻ gian lợi dụng số chứng minh nhân dân của ông để mở tài khoản thẻ tín dụng tại Ngân hàng Sacombank có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Hiện nay tài khoản thẻ tín dụng đã bị kẻ gian xài hơn 16 triệu đồng và hiện ngân hàng đã ghi nợ cho ông số tiền này.

Ông N. kể ông cảm thấy thông báo như vậy là "rất hoảng hốt", chưa kể người gọi còn nói chuyển điện thoại cho ông để "nói chuyện với cơ quan công an". 

"Nhưng lúc đó là hơn 12h trưa, tôi sực nhớ ra cơ quan công an không làm việc giờ này nên nói họ cung cấp thông tin cụ thể hơn để tôi nhờ cơ quan báo chí xác minh. Nghe đến đây thì họ cúp điện thoại", ông L.V.N. thuật lại.

Sau đó ông L.V.N. đã phản ánh cho báo chí đồng thời lên ngân hàng trực tiếp xác minh với mong muốn nếu thật sự có số tài khoản này thì nhờ ngân hàng xóa giúp.

Kết quả kiểm tra tại Ngân hàng Sacombank cho thấy không hề có số tài khoản này cũng như thông tin khách hàng trên hệ thống. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Sacombank cũng xác nhận thông tin như trên và cho biết đó là chiêu lừa của một dạng tội phạm thẻ. 

Dù đã "diễn" nhiều lần nhưng nhiều trường hợp mất cảnh giác và hoảng hốt vẫn chuyển tiền vào tài khoản của bọn tội phạm và bị rút hết tiền sau đó mới đến trình báo ngân hàng.

Theo ghi nhận của các ngân hàng, trong thời gần đây tội phạm thẻ có dấu hiệu bùng phát. 

Ngày 29-10, ông Đ.T (TP.HCM) cũng bị tội phạm thẻ giả là người chuyển tiền làm từ thiện để "dụ" ông cung cấp thông tin thẻ và cả mã xác thực (OTP) để lấy 40 triệu đồng.

Các ngân hàng gần đây cũng liên tục phát đi các thông tin cảnh báo khách hàng cẩn trọng khi giao dịch trên máy ATM, hoặc trên internet banking. 

Như BIDV còn khuyến cáo khách hàng chỉ mở chức năng giao dịch trực tuyến khi có nhu cầu giao dịch, chỉ giao dịch tại các website uy tín. 

Trong bất kỳ trường hợp nào, chủ thẻ tuyệt đối không cung cấp các thông tin bảo mật qua các mạng xã hội, không lưu mật khẩu khi đăng nhập website. 

Ngoài ra khách hàng nên sử dụng các chương trình diệt virus và cảnh giác bảo mật thông tin cá nhân.

Theo A.Hồng (Tuổi Trẻ)