Kinh tế

Kinh tế Việt Nam 2016 dự báo tăng trưởng 6,3%, lạm phát dưới 5%

Trong 9 tháng đầu năm nay, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 khả năng đạt khoảng từ 6,3 - 6,5%, nhưng khả năng cao là đạt 6,3%. Dự báo, lạm phát được kiểm soát dưới 5%.

Trong 9 tháng đầu năm nay, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 khả năng đạt khoảng từ 6,3 - 6,5%, nhưng khả năng cao là đạt 6,3%. Dự báo, lạm phát được kiểm soát dưới 5%.

Kiểm soát lạm phát dưới 5%

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2016, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng khoảng 5,93%, trong đó quý III tăng 6,4%, thấp hơn so với mức 6,87% của cùng kỳ năm 2015 nhưng cao hơn so với quý II và quý I/2016.

Những khu vực có tốc độ tăng trưởng đáng chú ý là nông - lâm nghiệp đã bắt đầu có tăng trưởng trở lại đạt 0,65% (trong khi đó 6 tháng đầu năm là -0,18%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,5%, cùng kỳ tăng 9,72%. Trong đó, đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến chế tạo là 11,2%, xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ là 9,1% (cùng kỳ là 10,1% và 9%); khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng là 6,66%, cao hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ.

“Ước tính tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt khoảng từ 6,3 - 6,5%, nhưng khả năng cao là đạt 6,3%” - Thứ trưởng Đào Quang Thu cho hay.

Cũng theo ông Thu, lạm phát 9 tháng đầu năm 2016 vẫn ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8 và tăng 3,14% so với tháng 12/2015 và tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo, lạm phát trong năm 2016 sẽ được kiểm soát dưới 5% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

 Kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát.
Kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát.

Một số chỉ tiêu nổi bật trong 9 tháng đầu năm 2016 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, trong đó: Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ thì thấp hơn cùng kỳ, ước 9 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6,7%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 1,3% so với cùng kỳ, xuất siêu là 2,765 tỷ USD, chiếm 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ước cả năm tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-7%.

Tổng đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm ước đạt 1 triệu 6,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33,1% GDP, ước cả năm có thể đạt 32,5% GDP. Trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng khả quan, ước đạt 11, 02 tỷ USD, tăng 12,4% , ước cả năm giải ngân vốn FDI khoảng 15,5 tỷ USD.

Nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017 nền kinh tế nước ta bên cạnh một số thuận lợi sẽ phải đối mặt với những khó khăn. Dự kiến, GDP năm 2017 tăng 6,7%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng trên 31,5%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, để thực hiện các chỉ tiêu trên, trong 2017 cần tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường điều kiện thuận lợi thúc đẩy dầu tư kinh doanh; tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sự cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại phiên họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - bà Nguyễn Thị Hồng - nhận định: Diễn biến lạm phát cơ bản ổn định, khoảng dao động hẹp và có dư địa điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ.

Trong khi đó, các thành viên hội đồng bày tỏ đồng tình với kết quả điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ trong thời gian qua, cũng như sự phối hợp của 2 chính sách này góp phần cho ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát.

Kết thúc phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng - đề nghị các thành viên tiếp tục bám sát diễn biến tình hình tài chính quốc tế để tiếp tục thảo luận, tham mưu với Chính phủ trong điều hành nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý các Bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng; rà soát lại các gói tín dụng ưu tiên trên cơ sở phân định được chính sách tài khóa và các công cụ của hệ thống ngân hàng; nghiên cứu tăng huy động trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại.

Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)