Kinh tế

Kinh tế số Đông Nam Á và cái bóng Trung Quốc

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS) đưa ra nhận định về sự phát triển nhanh chóng của "con đường tơ lụa" kỹ thuật số tại Đông Nam Á và các rủi ro tiềm ẩn trong đó.

Đông Nam Á là vùng có nhiều dự án thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) cao cấp nhất của Trung Quốc, bao gồm cảng Kyakpyu ở Myanmar, một tuyến đường sắt cao tốc ở phía Bắc Lào, và các công trình đường ray, đường ống đang đình trệ ở Malaysia.

Trong khi các dự án cơ sở vật chất đang thu hút nhiều sự quan tâm, thì việc Trung Quốc tham gia vào hạ tầng kỹ thuật số tại khu vực lại được chú ý hơn dù đây là sân chơi có tiềm năng chiến lược to lớn trong những những năm sắp tới.

Kinh tế số Đông Nam Á và cái bóng Trung Quốc
Cảng Kyakpyu ở Myanmar. Ảnh: Nikkei. 

Các nền kinh tế Đông Nam Á phát triển nhanh chóng với cơ cấu dân số trẻ được sống trong một xã hội được số hóa vào tốp đầu toàn cầu. Điều này đem đến cơ hội kinh doanh to lớn cho các tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông từ khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, tầm quan trọng về chiến lược của khu vực này đến các quốc gia khác nằm ở việc quản lý luồng dữ liệu. Do đó, quản trị Internet đóng vai trò thiết yếu và tác động đến tình hình chung Đông Nam Á hơn cả kết quả kinh doanh.

Mỹ, Nhật cùng một số quốc gia đã manh nha tập trung đáng kể vào vấn đề trên, nhưng mối quan ngại về Trung Quốc vẫn rất sâu sắc vì tại đây, các công ty Trung Quốc đang hưởng những lợi thế nhất định.

“Con đường tơ lụa” kỹ thuật số

Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng công nghệ Đông Nam Á được gọi là “con đường tơ lụa” kỹ thuật số (DSR). Nhưng, không giống như các dự án khác thuộc BRI được hỗ trợ nhiệt tình thông qua chính sách và tài chính, hiện vai trò của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ DSR tương đối mờ nhạt.

Thay vào đó, các ông lớn công nghệ Trung Quốc như Huawei, ZTE, Alibaba hay Tencent, chuyên cung cấp sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp, mới thực sự thúc đẩy sân chơi này. Những tập đoàn trên được chính phủ Tập Cận Bình hỗ trợ phần nào.

Những gã khổng lồ đó là những nhà đầu tư lớn vào cuộc đua khởi nghiệp cũng như thương mại điện tử ở Đông Nam Á. Đáng chú ý phải kể đến việc Alibaba vận hành trang thương mại Lazada, hay Tencent và Didi Chuxing rót tiền vào nền công nghiệp đi xe chung với ví dụ điển hình là Grab và Go-Jek, đánh bật Uber ra khỏi thị trường khu vực.

Dịch vụ thanh toán điện tử Alipay gần đây đã xâm nhập thêm vào thị trường Campuchia, Lào, Philippines và Myanmar để phục vụ du khách Trung Quốc. Ant Financial, công ty mẹ của Alipay, thể hiện sự “bành trướng” khi liên tục sáp nhập Ascend Money tại Thái Lan, Emtek ở Indonesia và mới nhất là Mynt tại Philippines.

Kinh tế số Đông Nam Á và cái bóng Trung Quốc - 1
Các dịch vụ thanh toán điện tử của Trung Quốc đang lan toả mạnh mẽ tại Đông Nam Á. Ảnh: WSJ.

Huawei cùng ZTE liên quan nhiều nhất đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là cáp quang. Huawei Marine đã hoàn thành hơn 12 dự án cáp quang dưới biển tại Đông Nam Á, và gần 20 dự án nữa đang dần hoàn thiện, chủ yếu ở Indonesia và Philippines.

Tương tự, các nhà sản xuất điện thoại Oppo, Huawei và Vivo đã vượt qua Samsung để chiếm lĩnh thị trường.

Cũng trên đường đua này, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang nỗ lực dẫn đầu trong việc phát triển mạng 5G và hệ thống điện toán đám mây dành cho thị trường Đông Nam Á. Chỉ trong tháng 2, Huawei đã thử nghiệm 5G tại Thái Lan và Alibaba đã mở trung tâm dữ liệu thứ 2 ở Indonesia.

Trong khi đó, dù các công ty Mỹ như Facebook, Google và Twitter có sự lan tỏa rộng lớn ở khu vực cũng như Apple vẫn chiếm thị phần lớn tại một số quốc gia Đông Nam Á, họ thật sự không nổi trội bằng những đối thủ đến từ Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh ở các mảng thanh toán điện tử, điện toán đám mây và mạng 5G.

Chi phí và rủi ro

Nền kinh tế Internet Đông Nam Á được định giá khoảng 50 tỷ USD trong năm 2017 và dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần số đó vào năm 2025. Điều đó dĩ nhiên sẽ mang đến nhiều nguồn lợi thương mại cho các đại gia làng công nghệ Trung Quốc. Dù vậy, Bắc Kinh cần phải xem xét kỹ lưỡng liệu việc thúc đẩy “lấn sân” công nghệ tại khu vực này có gây ảnh hưởng đến mối quan hệ các đối tác chiến lược lớn như Mỹ, Nhật, Australia và Liên minh châu Âu hay không.

Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với nguồn dữ liệu khổng lồ là rủi ro chiến lược dễ thấy nhất đối với Đông Nam Á. Cáp quang vận chuyển lượng lớn thông tin của cá nhân, thậm chí là cả chính phủ và chính quyền Bắc Kinh có thể dễ dàng tiếp cận được chúng.

Kinh tế số Đông Nam Á và cái bóng Trung Quốc - 2
Thái Lan đã ra mắt thiết bị thử nghiệm 5G của Huawei. Ảnh: Reuters. 

Các quốc gia trong khu vực ngày càng nhận thức được những bất cập nơi các khoản đầu tư đến từ phía Trung Quốc vì lo ngại vấn đề gián điệp. Nhưng hiện nay, các nước Đông Nam Á đang sử dụng rất nhiều phần mềm do Trung Quốc cung cấp và đồng thời miễn cưỡng chấp nhận phần cứng của quốc gia này sản xuất.

Những cố gắng của Mỹ gần đây phần nào giúp các chính phủ khu vực này cẩn thận cân nhắc hơn về các quyết định liên quan đến mạng 5G.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng hiểu rõ một khi Trung Quốc đẩy mạnh nội địa hóa dữ liệu tại Đông Nam Á, các doanh nghiệp Mỹ cũng như đồng minh sẽ mất lợi thế cạnh tranh ra sao. Tuy nhiên, rõ ràng ở cuộc chiến này, Trung Quốc đang “nắm đằng chuôi” với giá cả và mô hình quản trị mạng hấp dẫn.

Đông Nam Á phải đối mặt với việc lựa chọn giữa chi phí và rủi ro.

Theo Minh Đức (Tri Thức Trực Tuyến)