Kinh tế

‘Kinh tế ngầm ở Việt Nam đến 30% GDP là không có cơ sở’

Theo Tổng cục Thống kê, một số chuyên gia nói về quy mô khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam khoảng 30% là không có cơ sở. Việc thống kê cần xem xét lại.

Sáng nay (19/1), Tổng cục Thống kê công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2017. Số liệu báo cáo về kinh tế ngầm - khu vực kinh tế chưa được thống kê, nhận được khá nhiều sự quan tâm. Nhiều người đặt câu hỏi có thật khu vực kinh tế chưa quan sát được ở mức 30% GDP như một số nhà kinh tế đưa ra.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Chính phủ đã giao cho đơn vị này nghiên cứu về khu vực kinh tế phi chính thức. Thực tế, khu vực kinh tế này chỉ là một trong 5 lĩnh vực chưa quan sát được.

5 khu vực được ông Lâm đưa ra là: kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp, kinh tế phi chính thức, kinh tế tự sản tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót. Hiện tại, Tổng cục Thống kê đã có nghiên cứu về khu vực kinh tế tự sản tự tiêu. Khu vực kinh tế bị bỏ sót là xác suất trong thống kê không chỉ Việt Nam mà quốc gia nào cũng gặp phải.

‘Kinh tế ngầm ở Việt Nam đến 30% GDP là không có cơ sở’
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Hiếu Công.

Trong khi đó, khu vực kinh tế ngầm và phi pháp rất khó thống kê. Tổng cục Thống kê đang xây dựng đề án và trình Chính phủ các biện pháp để có thể thống kê được các khu vực kinh tế này.

Về việc một số nhà kinh tế gần đây đưa ra còn số khu vực kinh tế chưa quan sát được ở Việt Nam vào khoảng 30% GDP, ông Nguyễn Bích Lâm nói không thể cao đến mức này. Ông cho biết phương pháp thống kê và quan niệm về các khu vực kinh tế này ở mỗi quốc gia là khác nhau.

“Nhưng kinh tế phi chính thức ở Việt Nam không thể cao đến 30%. Ở nước ngoài đánh bài, mại dâm là hợp pháp, trong khi đó chúng ta là phi pháp. Ở chúng ta khu vực kinh tế nông nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, nên đã có thống kê rõ ràng. Không thể áp khu vực này vào tự sản tự tiêu. Do đó, cần xem lại phương pháp tính”, ông Lâm cho biết.

Người đứng đầu Tổng cục Thống kê cũng cho biết khi Chính phủ thông qua đề án và có nghiên cứu cụ thể, đơn vị này mới có thể đưa ra con số chính xác.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, trong đó có 518.000 doanh nghiệp.

Khu vực doanh nghiệp tạo ra doanh thu khoảng 17,45 triệu tỷ đồng năm 2016. Trong đó khu vực tư nhân làm ra số tiền nhiều nhất với 9,76 triệu tỷ đồng, tiếp sau đó là FDI với 4,81 triệu tỷ đồng.

Khu vực nhà nước tại ra ít tiền nhất với 2,88 triệu tỷ đồng.

‘Kinh tế ngầm ở Việt Nam đến 30% GDP là không có cơ sở’ - 1

Theo ngành kinh tế, các doanh nghiệp khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút nhiều lao động nhất với 9,1 triệu người. Có 5 ngành kinh tế cấp 1 thu hút nhiều lao động nhất là công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi; bán luôn bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.

Xét về quy mô doanh nghiệp, cả nước có 10.000 doanh nghiệp lớn (1,9%). Doanh nghiệp nhỏ và vừa là khoảng 98,1%. Xu hướng doanh nghiệp lớn đang có xu hướng giảm dần, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng tăng lên.

Về huy động vốn, tổng nguồn được huy động vào sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp là 30,2 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút nguồn vốn nhiều nhất với 16,8 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp FDI thu hút 5,07 triệu tỷ đồng.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)