Kinh tế

Khu đô thị bỏ hoang Mê Linh - nơi chôn vùi hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư

Hàng trăm nắp hố ga bị mất cắp ở tuyến đường nghìn tỷ

Nhà đầu tư chẳng biết lô đất tiền tỷ nằm ở chỗ nào giữa bãi đất cỏ đã mọc um tùm, còn chủ đầu tư thì "bặt vô âm tín".

Nghĩ lại về khoản góp vốn hơn 2 tỷ đồng để mua đất Mê Linh từ 10 năm trước, vợ chồng anh Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn không khỏi tiếc nuối. Đó là toàn bộ tài sản của anh chị khi đó. Năm 2009, vợ chồng anh chưa có nhà để ở, song đúng lúc cơn sốt đất đang ở giai đoạn đỉnh điểm nên bảo nhau đầu tư một phen với hy vọng vừa có tiền mua một căn nhà mà vẫn dư vốn làm ăn.

Thấy nhiều người lúc đó mua tuần trước, tuần sau bán đi đã lãi vài trăm triệu, anh Trung càng thêm niềm tin vào vụ đầu tư này, đồng thời trấn an bà xã khi chị có vẻ lo ngại. Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau khi anh đặt bút ký vào hợp đồng góp vốn một dự án, trả gần 2 tỷ đồng cho người bán và gần 800 triệu tiền chênh để mua một lô biệt thự, giá đất Mê Linh lao dốc thê thảm. Ở giai đoạn đáy khủng hoảng vào khoảng năm 2012-2013, đất tại đây chỉ còn một phần ba giá anh Trung mua, nhưng điều quan trọng là muốn bán cũng không có người mua.

Chưa kể, cầm trong tay hợp đồng góp vốn nhưng anh Trung chẳng nắm rõ lô đất mà mình đã mua nằm ở vị trí nào giữa bãi đất cỏ mọc um tùm tại xã Tiền Phong. 

Khu đô thị bỏ hoang Mê Linh - nơi chôn vùi hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư
Trong các khu đô thị tại Mê Linh, ngoài đất bỏ hoang, những căn nhà xây thô cũng rất lâu không có người đặt chân đến. Ảnh: Giang Huy

Từ nhiều năm trước, anh Trung và nhiều khách hàng mua dự án đã gặp gỡ và bàn nhau về việc gặp chủ đầu tư để đòi lại tiền hoặc ít nhất biết được "số phận" lô đất mình mua sẽ ra sao. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã dừng hoạt động tại Việt Nam, trụ sở không một bóng người. Hợp đồng góp vốn tiền tỷ anh đã ký kết biến thành tờ giấy lộn. 

May mắn hơn, anh Hoan, một nhà đầu tư khác biết lô đất mình đã mua nằm ở chỗ nào. Tuy nhiên, ba năm nay anh chưa đặt chân đến đó bởi dù đã được làm đường sá nội khu, song bên trong dự án mới có vài ngôi nhà được xây thô rồi bỏ hoang cho cỏ dại mọc quá đầu người. Vài năm gần đây, đất trong dự án có giao dịch trở lại, song giá bán mới chỉ bằng một nửa khi anh Hoan mua, song việc tìm người mua cũng không dễ. Bởi vậy, nhà đầu tư này quyết định "cất sổ đỏ vào két sắt, vài năm nữa mới mang ra để rao bán" khi thị trường trở nên tốt hơn.

Anh Trung hay anh Hoan chỉ là một trong hàng nghìn người đang bị mắc kẹt tại Mê Linh - nơi Thủ tướng vừa có chỉ đạo kiểm tra bởi tình trạng hơn 2.000 ha đất đô thị bỏ hoang từ một thập kỷ nay, gây lãng phí nghiêm trọng. Theo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Mê Linh, địa bàn này có 47 dự án bất động sản nhà ở, đô thị được phê duyệt. Trong đó, 18 dự án được ký trong một tháng trước ngày quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực (tháng 8/2008). Những dự án giao dịch sôi động nhất thời điểm đó như Khu đô thị Minh Giang - Đầm Và, Cienco 5, AIC, VIT Tiền Phong, Hà Phong, Chi Đông... đều bán dưới dạng hợp đồng góp vốn. Đa số chủ đầu tư đã thu của nhà đầu tư 50 đến 80%, thậm chí có nơi 100% giá trị các lô đất nền liền kề, biệt thự.

Video: Lộc Chung - Giang Huy.

Tuy nhiên, sau một thập kỷ, phần nhiều những dự án này còn chưa xong hạ tầng, thậm chí cũng chưa giải phóng xong mặt bằng. Hàng chục dự án trong số này vẫn chỉ là bãi đất đầy cỏ dại, được người dân xung quanh tận dụng làm bãi chăn thả trâu bò hoặc nuôi vịt nhiều năm qua. Người ta chỉ có thể phân biệt được đó là đất dự án qua những tấm biển mờ hết chữ, rách nát được cắm bên ven đường. 

Lãnh đạo một chủ đầu tư lớn lý giải một trong những khó khăn khiến dự án chậm triển khai là Mê Linh chuyển từ Vĩnh Phúc về Hà Nội khiến quy hoạch 1/500 phải thay đổi, đồng thời thị trường đi xuống khiến doanh nghiệp không ưu tiên triển khai.

"Chúng tôi có làm hạ tầng hay mở bán thì cũng chẳng có khách mua. Bài học nhãn tiền là những dự án xung quanh đó xây thô dở dang rồi bỏ hoang. Nếu chúng tôi có triển khai thì có lẽ cũng có chung số phận", vị này nói.   

Một số chủ đầu tư khác lại viện lý do gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng. Nhưng thực tế, có những dự án chỉ còn vài trăm m2 đất chưa giải phóng mặt bằng nhưng doanh nghiệp cũng không triển khai. 

Lãnh đạo xã Đại Thịnh - nơi có một dự án của chủ đầu tư lớn nhưng 10 năm nay vẫn chỉ là bãi chăn thả vịt cho biết, từng tổ chức nhiều cuộc họp có mời chủ đầu tư đến và yêu cầu giải trình về tiến độ dự án. Song, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng cử người tham gia đầy đủ và lần nào cũng đưa ra một nguyên nhân của việc chậm triển khai dự án là do thị trường. Và với câu hỏi đến khi nào dự án sẽ triển khai tiếp thì chủ đầu tư cũng không đưa ra câu trả lời hoặc cứ hứa hết lần này đến lần khác. Gần đây, khi Thủ tướng có yêu cầu kiểm tra các dự án thì chủ đầu tư bắt đầu quây tôn, làm lại biển dự án. 

Ông Bùi Xuân Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết chính quyền gặp khó khăn trong việc liên lạc với các chủ đầu tư. Một số doanh nghiệp trụ sở ở xa hoặc thay đổi pháp nhân, địa điểm nên địa phương gửi thư thông báo, mời đến làm việc và tìm phương án giải quyết nhưng thư gửi bị trả lại. Nhiều chủ đầu tư đến làm việc và hứa triển khai, song thời gian khi nào thì họ cũng không cam kết. Hiện huyện Mê Linh đã trình UBND TP Hà Nội thu hồi 8 dự án trên địa bàn. 

Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng (TVR) từng tham gia thị trường Mê Linh giai đoạn đỉnh điểm nhận định, vài năm nay bất động sản tại đây phục hồi so với giai đoạn đáy năm 2013. Song so với lúc đỉnh điểm sốt giá, hiện giá mới bằng khoảng một phần hai. Hơn nữa, thanh khoản trên thị trường cũng rất thấp, chỉ những người dân xung quanh, có nhu cầu ở thực hoặc những nhà đầu tư mua lâu dài mới quan tâm.

"Tuy nhiên, số người mua để ở và đầu tư rất ít bởi các dự án đâu có hạ tầng, tiện ích gì. Những cú hích trong ngắn hạn đối với thị trường này cũng chưa lớn", ông nhận định. 

Theo Nguyễn Hà (VnExpress.net)