Kinh tế

Không còn quá nhiều xe để thanh lý, lợi nhuận 2018 của Vinasun dự kiến giảm 50% xuống mức thấp nhất 8 năm

CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2018 với cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều rơi về mức thấp nhất 8 năm qua.

Không còn quá nhiều xe để thanh lý, lợi nhuận 2018 của Vinasun dự kiến giảm 50% xuống mức thấp nhất 8 năm

Vấp phải sự "cạnh tranh không lành mạnh" từ phía các doanh nghiệp nước ngoài, Vinasun đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 chỉ 1.750 tỷ đồng (giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2017).

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đồng thuận giảm 50%, lần lượt về mức 119 tỷ và 95 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của Công ty kể từ năm 2010.

Ngoài ra, Vinasun cũng đặt mục tiêu tổng số xe hoạt động kinh doanh cuối năm 2018 là 6.273 chiếc, hàng ngày có 12.000 lượt khách đặt xe của Vinasun thông qua App.

"Doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường taxi Tp.HCM với gần 30.000 chiếc (gấp 5 lần của Vinasun), tận dụng tiềm lực tài chính mạnh và kẽ hở của quy định hiện hành để áp dụng các phương thức cạnh tranh bất bình đẳng, mang tính chất tận diệt là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Công ty", ghi nhận từ báo cáo vừa công bố của Vinasun.

Kết thúc năm 2017, tổng doanh thu Vinasun đạt 2.937 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2016 và chỉ đạt 73% kế hoạch ban đầu. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 cũng giảm mạnh gần 40% về 189 tỷ đồng, tương đương 92,37% chỉ tiêu.

Như vậy, doanh thu của Vinasun giảm sâu so với các năm trước đây. Trong vòng 5 năm kể từ 2013, doanh thu Vinasun đã ghi nhận giảm hơn một nửa so với mức đỉnh những năm 2015-2016, lợi nhuận tương ứng giảm gần 3,6 lần.

Không còn quá nhiều xe để thanh lý, lợi nhuận 2018 của Vinasun dự kiến giảm 50% xuống mức thấp nhất 8 năm - 1
Lãi từ thanh lý xe dự kiến giảm sâu trong năm 2018 kéo theo lợi nhuận của Vinasun giảm mạnh

Song song với đó, quy mô hoạt động Công ty cũng thu hẹp mạnh khi tổng số xe của Vinasun giảm 11% so với cuối năm 2016, hiện tại chỉ còn 5.835 xe. Trong năm vừa qua, Vinasun đã thanh lý 1.293 đầu xe, trong khi đầu tư mới chỉ đạt 567 chiếc.

Theo Vinasun, số lượng cuộc gọi bình quân hàng ngày đến hãng này đã giảm 25% trong năm qua, hiện tại chỉ còn khoảng 36.000 lượt. Số khách đón qua các điểm tiếp thị cũng giảm 8%.

Theo đó, Công ty cho rằng thách thức nghiêm trọng nhất mà mình đang phải đối mặt là việc tham gia "bất hợp pháp" vào thị trường taxi với các chiêu thức "cạnh tranh không lành mạnh" của các công ty nước ngoài.

"Các hãng này liên tục hạ giá, nâng giá một cách phi lý, dùng tiền hỗ trợ và bù lỗ cho chủ xe và lái xe", Vinasun cho biết thêm và lấy ví dụ đã có công ty chấp nhận lỗ gần 1.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ.

Một thông tin đáng quan tâm khác, mới đây ngày 7/3, TAND Tp.HCM đã tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun với Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam ngay phiên đầu xử lại.

Động thái này được HĐXX đưa ra vì phải đợi kết quả thu thập chứng cứ từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở Công thương, Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM và Bộ GTVT... mới giải quyết được vụ án.

Liên quan đến vụ kiện trên, tháng 6/2017 Vinasun chính thức kiện Grab ra tòa, yêu cầu hãng taxi công nghệ này bồi thường gần 42 tỷ đồng thiệt hại ngoài hợp đồng.

Phía Vinasun cho rằng, Grab lợi dụng việc Bộ GTVT ban hành Quyết định 24 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.

Không còn quá nhiều xe để thanh lý, lợi nhuận 2018 của Vinasun dự kiến giảm 50% xuống mức thấp nhất 8 năm - 2

Theo Bảo An (Soha/Trí Thức Trẻ)