Kinh tế

Khan tiền mới mệnh giá 10.000 đồng

Càng gần Tết, nhu cầu đổi tiền mới của người dân ngày càng tăng mạnh. Trong khi đó, lượng cung ứng tiền mệnh giá nhỏ như 10.000 đồng từ phía ngân hàng rất khan hiếm.

Càng gần Tết, nhu cầu đổi tiền mới của người dân ngày càng tăng mạnh. Trong khi đó, lượng cung ứng tiền mệnh giá nhỏ như 10.000 đồng từ phía ngân hàng rất khan hiếm.

Khan hiếm

Theo chia sẻ của nhiều nhân viên ngân hàng, năm nay, lượng tiền mới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung ứng xuống các ngân hàng thương mại giảm mạnh so với năm trước. Điều này khiến nhiều ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu đổi tiền mới của người dân dịp Tết Nguyên đán.

Anh Thanh (quê Bắc Ninh), nhân viên chi nhánh một ngân hàng thương mại tại quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết năm nay, lượng tiền mới chuyển về chi nhánh của anh giảm một nửa so với năm trước. Việc phân phối về các phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh cũng khó khăn hơn.

"Nhiều phòng giao dịch mấy ngày gần đây luôn trong tình trạng cạn tiền lẻ mới, các mệnh giá 100.000-500.000 đồng mới vẫn còn rất nhiều nhưng người dân lại chỉ có nhu cầu đổi mệnh giá nhỏ 10.000-20.000 đồng", anh Thanh cho biết.

Khan tien moi menh gia 10.000 dong hinh anh 1
Hiện tại, đổi tiền mệnh giá 10.000 đồng tại các ngân hàng khá khó khăn. Ảnh: Quang Thắng.

Anh Thanh Tùng, nhân viên chi nhánh một ngân hàng thương mại khác cho biết năm nay tiền mới mệnh giá 50.000 đồng trở nên vẫn khá dồi dào nhưng tiền mệnh giá nhỏ lại rất ít. Các năm trước, ngân hàng sẽ dành một khoản chỉ tiêu cho nhân viên đổi tiền mới, năm nay do lượng tiền cung ứng ít nên mỗi nhân viên chỉ được đổi không quá 17,5 triệu đồng.

"Thông báo là 17,5 triệu đồng nhưng thật ra mỗi nhân viên chỉ được đổi khoảng 50 tờ loại 10.000 đồng và 100 tờ loại 20.000 đồng, còn lại là tiền mệnh giá lớn", anh Tùng chia sẻ.

Trong khi đó, chị Huyền Nga, nhân viên phòng giao dịch ngân hàng cho biết mỗi dịp Tết Nguyên đán, bạn bè đều nhờ chị đổi tiền mới. Những năm trước, chị vẫn đổi đủ nhu cầu của người thân nhưng năm nay ngân hàng quy định mỗi nhân viên chỉ được đổi không quá 20 triệu đồng. Trong đó, hầu hết là tiền 50.000-100.000 đồng, mệnh giá 10.000-20.000 đồng chỉ được đổi với số lượng bằng 1/3, 1/4 các mệnh giá khác.

"Tiền mới hội sở gửi xuống cũng không về 1 đợt mà chia thành nhiều đợt, số lượng mỗi đợt rất ít. Từ chi nhánh chia về các phòng giao dịch là mọi người đổi hết, chẳng còn lại bao nhiêu", chị Nga cho biết.

Sôi động ở hội sở

Trong khi không khí đổi tiền mới mệnh giá nhỏ tại chi nhánh và phòng giao dịch nhiều ngân hàng diễn ra khá im ắng thì tại hội sở hoạt động đổi tiền mới cho nhân viên vẫn diễn ra nhộn nhịp.

Anh Phương, cán bộ quản lý nợ tại hội sở một ngân hàng thương mại cỡ lớn cho biết hiện nay muốn đổi tiền lẻ mới thì phải nhờ người trên hội sở mới có nhiều chứ chi nhánh và phòng giao dịch cũng không có.

Vài ngày trước, tiền được chuyển về hội sở, các nhân viên ở đây cũng nhộn nhịp đổi tiền mới. Do có một số người bạn nhờ đổi tiền nên anh Phương cũng đổi được một khoản gồm cả tiền mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng và 20.000 đồng.

Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Mạnh Thắng - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết năm nay NHNN không có chủ trương phát hành tiền lẻ mới nên Vietcombank cũng không có tiền để đổi cho người dân.

Riêng mệnh giá 10.000 đồng trở lên là tiền cơ cấu trong lưu thông của ngân hàng. "Các ngân hàng đều có cơ cấu tiền mỗi mệnh giá nhất định để chi trả, thanh toán các giao dịch cho phù hợp. Hiện tại, người dân đổi tiền mệnh giá nhỏ mới không dùng vào mục đích thanh toán, chi trả mà sử dụng vào những việc khác nên ngân hàng không thể đáp ứng nhiều được", ông Thắng cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết năm nào người dân cũng có nhu cầu đổi tiền mới. Với tiền mới mệnh giá cao ngân hàng vẫn đáp ứng được còn tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng, ACB khó có thể đổi cho người dân với số lượng nhiều.

Theo Q.Thắng (Zing.vn)