Kinh tế

Hy Lạp không nhượng bộ

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu nhận trách nhiệm chứ đừng bỏ mặc số phận nước này trong tay Quỹ Tiền tệ quốc tế

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu nhận trách nhiệm chứ đừng bỏ mặc số phận nước này trong tay Quỹ Tiền tệ quốc tế

Do Hy Lạp không thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ hôm 25-6 nên cuộc họp của các bộ trưởng tài chính eurozone trong ngày 27-6 được xem là nỗ lực cuối cùng để nước này tránh bị phá sản kể từ ngày 1-7 tới.

Chỉ khi đạt thỏa thuận, bộ 3 chủ nợ là Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới giải ngân khoản cứu trợ 7,2 tỉ euro cho đất nước đang cạn kiệt tiền này. Trong trường hợp không được bơm tiền, Athens sẽ không thể trả được khoản nợ 1,6 tỉ euro cho IMF vào hạn chót 30-6. Khi ấy, Hy Lạp có thể rời Eurozone và các nhà chuyên môn lo ngại không chỉ nền kinh tế của các nước châu Âu mà còn cả thế giới bị ảnh hưởng.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phải) hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) ở Brussels hôm 26-6Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định cuộc họp ngày 27-6 có tính chất quyết định. Theo hãng tin Reuters, bà Merkel từ chối dự đoán điều gì sẽ xảy ra nếu các bên vẫn không tìm được tiếng nói chung song nhấn mạnh lãnh đạo các chính phủ không thể can thiệp vào cuộc thương lượng phức tạp này.

“Cánh cửa vẫn còn rộng mở để Hy Lạp đưa ra những đề xuất mới hoặc chấp nhận những gì đã đặt lên bàn đàm phán” - trưởng nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, ông Jeroen Dijsselbloem, khẳng định. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết Hy Lạp đã đưa ra đề xuất của mình “vào giờ chót” hôm 25-6 nên các chủ nợ cần thêm thời gian để đánh giá. Thực ra, IMF vẫn kiên quyết không chấp nhận đề xuất của Hy Lạp hồi đầu tuần, bao gồm tăng thuế nhiều hơn và cắt giảm chi tiêu ít hơn mức các chủ nợ đòi hỏi.

Trong khi đó, chính phủ Hy Lạp chỉ trích các chủ nợ quốc tế bác bỏ ý tưởng của Athens dù thoạt đầu họ hoan nghênh. Bộ trưởng Tài chính Varoufakis cũng tuyên bố Athens quyết tâm bảo vệ những đề xuất của mình dù các chủ nợ quốc tế cho rằng chúng không mang lại đủ tiền để lấp đầy lỗ hổng ngân sách.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu nhận lấy trách nhiệm chứ đừng bỏ mặc số phận Hy Lạp trong tay IMF. Hơn nữa, ông này khuyến cáo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk “không nên đánh giá thấp tình huống mà một quốc gia có thể tiến đến khi bị hạ nhục”.

Theo báo The Greek Reporter, phản ứng lại nhận định của ông Tusk rằng “cuộc chơi đã kết thúc”, ông Tsipras nhấn mạnh: “Đó không phải là cuộc chơi. Hy Lạp có 1,5 triệu người thất nghiệp, 3 triệu người nghèo và hàng ngàn gia đình chỉ sống dựa vào lương hưu của ông bà”.

Thủ tướng Hy Lạp khẳng định: “Tôi quyết tâm cải tổ lương hưu, bãi bỏ tình trạng nghỉ hưu sớm, thống nhất các quỹ… Căn cứ vào những đề xuất của chúng tôi, các nhà sử học trong tương lai sẽ không thể nào hiểu được vì sao chúng tôi lại không đạt được thỏa thuận (với các chủ nợ)”.
 
EU tái định cư 60.000 người tị nạn
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 25-6 nhất trí tái định cư cho khoảng 60.000 người tị nạn tại các quốc gia thành viên trong vòng 2 năm tới.
 
Phát biểu sau hội nghị EU ở thủ đô Brussels - Bỉ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi các thành viên EU chia sẻ gánh nặng về tình trạng người di cư vượt Địa Trung Hải đến châu Âu. Ông Tusk cho biết 40.000 người đang tị nạn tại Ý và Hy Lạp sẽ được đưa đến các nước EU khác nhưng không áp đặt con số mà mỗi quốc gia phải tiếp nhận. Ngoài ra, theo đài BBC, EU cũng đồng ý tiếp nhận 20.000 người tị nạn hiện ở bên ngoài EU, chủ yếu đến từ Syria và Iraq. Dự kiến bộ trưởng nội vụ các nước EU sẽ hoàn thành kế hoạch trên vào cuối tháng 7 tới.
 
Hiện chưa rõ những nước nào sẽ nhận người tị nạn. Trước mắt, Anh tuyên bố không tham gia trong lúc các nước Đông Âu phản đối việc áp đặt hạn ngạch phân chia người tị nạn. Riêng Hungary, nơi đang có hàng ngàn người di cư, và Bulgaria, một trong những nước nghèo nhất EU, được miễn nhận. Điều này khiến Thủ tướng Ý Matteo Renzi gọi kế hoạch trên là “khiêm tốn”.
 
Theo số liệu mới từ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), khoảng 63.000 người đã vượt biển đến Hy Lạp và 62.000 người khác đến Ý kể từ đầu năm đến giờ. Ngoài ra, hiện có hơn 3 triệu người Syria chạy đến các quốc gia láng giềng để trốn cuộc nội chiến trong nước.
Xuân Mai
 
>> Khủng hoảng nợ Hy Lạp có nguy cơ lây lan?
 
Theo L.San (Nld.com.vn)