Kinh tế

Him Lam của ông Dương Công Minh giúp Sacombank xử lý nợ xấu?

Một trong những thành công của nhà băng này trong năm 2017, ngoài con số lợi nhuận nghìn tỷ đồng, là việc tái cơ cấu được một phần khoản nợ xấu liên quan đến Trầm Bê và Ngân hàng Phương Nam trước đây.

Gần một năm ngồi “ghế nóng” Sacombank, ông Dương Công Minh đã tạo ra những chuyển biến tương đối tích cực về hoạt động kinh doanh của nhà băng này. Theo báo cáo tài chính năm 2017, Sacombank báo lãi trước thuế gần 1.500 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với cùng kỳ với tỷ lệ nợ xấu giảm từ 6,9% từ đầu năm xuống còn 4,4% tại thời điểm cuối năm. Một phần nguyên nhân đến từ việc rốt ráo xử lý những khoản nợ xấu liên quan tới Trầm Bê và Ngân hàng Phương Nam trước đây.

Ai đã mua nợ của nhóm Trầm Bê từ Sacombank?

Cuối năm 2017, Sacombank đã rao bán với 3 lô đất ở khu Công nghiệp Đức Hoà III - Long An với giá trị gần 10.000 tỷ đồng để thu hồi khoản nợ liên quan đến nhóm Trầm Bê. So với những lần đấu giá trước, giá trị 3 lô đất này đã được điều chỉnh giảm gần 900 tỷ đồng, tuy nhiên một trong những lý do khiến các tài sản này khó chuyển nhượng là do Sacombank đưa ra điều kiện khối tài sản kể trên phải được thanh lý trong cùng một lần đấu giá.

Kế hoạch đặt ra đầu năm 2017 phải thu hồi 15.000 - 20.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng sau 9 tháng đầu năm ngân hàng mới xử lý được 6.000 tỷ đồng nợ xấu. Thành công của đợt rao bán tài sản này sẽ quyết định “thành bại” của Sacombank, cũng như uy tín của ông Dương Công Minh tại nhà băng này sau khi tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT vào cuối tháng 6.2017.

Him Lam của ông Dương Công Minh giúp Sacombank xử lý nợ xấu?
Công ty Him Lam của ông Dương Công Minh mua lại nợ xấu của Trầm Bê từ Sacombank (Ảnh: MH)

Đến đầu năm 2018, kết quả của thương vụ này dần lộ diện. Khối tài sản gần 10.000 tỷ đồng đã được Sacombank đấu giá thành công, đồng thời ngân hàng này cũng hoàn thành kế hoạch xử lý nợ xấu vượt chỉ tiêu với hơn 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, câu chuyện xử lý khối nợ này vẫn còn nhiều điểm phải chú ý, bởi thực tế ngân hàng này mới thu về 10% của giá trị khoản nợ đã bán.

Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2017, Sacombank đang ghi nhận gần 8.300 tỷ đồng phải thu từ bán tài sản cấn trừ nợ, trong khi kỳ năm ngoái nhà băng này không ghi nhận khoản phải thu nào từ mục này.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết, các khoản phải thu này liên quan tới việc chuyển nhượng tài sản đảm bảo tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An với tổng giá trị chuyển nhượng 9.200 tỷ đồng. Trong đó, Sacombank mới thu về 920 tỷ tiền mặt, đây là khoản tiền đặt cọc vào ngày ký hợp đồng. Còn 8.280 tỷ đồng sẽ được phía đối tác trả chậm trong vòng 7 năm từ ngày ký hợp đồng vào ngày 29.12.2017, với ân hạn 2 năm đầu và phí trả chậm 7,5% mỗi năm.

Trong một diễn biến khác, đầu tháng 3.2018, ngay sau thời điểm Sacombank cho biết đã bán thành công khối tài sản gần 10.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Him Lam đã công bố kế hoạch đầu tư vào Khu công nghiệp Đức Hòa III. Theo đề xuất được đưa ra tại cuộc họp với UBND tỉnh Long An, Him Lam muốn điều chỉnh công năng 7 khu công nghiệp thành phần trong khu công nghiệp Đức Hòa III thuộc huyện Đức Hòa. Tuy nhiên, nội dung việc điều chỉnh công năng không được công bố.

Him Lam cũng không phải cái tên xa lạ với Sacombank. Trước khi xuất hiện tại nhà băng này giữa năm 2017, ông Dương Công Minh được biết đến với vai trò khác là Chủ tịch của Him Lam và LienVietPostBank.

Đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo tài chính kiểm toán của Sacombank đã giảm từ 6,9% tại thời điểm đầu năm còn 4,4%.

Tuy nhiên, quy mô nợ nhóm 5, nợ có khả năng mất vốn, thực tế lại không có nhiều thay đổi, 8.303 tỷ so với 8.510 tỷ ở đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank giảm chủ yếu ở 2 yếu tố chính là giảm nợ nhóm 4 gần 2.000 tỷ đồng và quy mô tín dụng tăng hơn 12%.

Người của Him Lam sẽ gia tăng ảnh hưởng tại Sacombank?

Với những kết quả đạt được trong năm 2017, phiên hợp ĐHĐCĐ thường niên tới đây sẽ là thời điểm thích hợp để vị tân Chủ tịch có thể đưa ra những đường lối rõ ràng hơn cho hoạt động của Sacombank. Theo tài liệu trước Đại hội, hai vấn đề đáng chú ý trong phiên họp sắp tới là việc rút ngắn thời gian tái cơ cấu và bổ sung thêm nhân sự HĐQT.

Ngày 20.03.2018, HĐQT Sacombank nhận được đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Kiều Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank vì lý do cá nhân.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2017 đã thống nhất số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 là 7 thành viên, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Tuy nhiên, sau đại hội này, Sacombank chỉ mới bầu được 6 thành viên HĐQT, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Sau khi ông Kiều Hữu Dũng từ nhiệm, số lượng thành viên HĐQT Sacombank chỉ còn 5 thành viên (gồm 1 thành viên HĐQT độc lập).

Theo tờ trình trước phiên họp, Sacombank dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Hiện danh sách đề cử chưa được công bố, tuy nhiên không loại trừ khả năng những thành viên này có thể đến từ Him Lam và có liên quan đến ông Dương Công Minh. Cần lưu ý là tháng 7.2017, ngay sau khi ông Minh xuất hiện tại Sacombank, ngân hàng này cũng đã có hàng loạt thay đổi về nhân sự quản lý cấp cao.

Về kế hoạch kinh doanh, ban lãnh đạo Sacombank cũng cho biết, năm 2017 là một năm thách thức và khó khăn vì một mặt vừa phải tái cấu trúc bộ máy tổ chức, sắp xếp nhân sự,… mặt khác phải triển khai Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Trong năm nay, nhà băng này sẽ đẩy nhanh lộ trình thực hiện đề án này, rút ngắn thời gian hoàn thành về tái cấu trúc xuống phân nửa chặng đường.

Năm 2018, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 430.900 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 399.100 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017; trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 392.500 tỷ đồng, tăng 21%. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 255.200 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2017; trong đó cho vay khách hàng đạt 252.600 tỷ đồng, tăng 13%. Nợ xấu dưới 3%.

Theo Ngọc Lan (Dân Việt)