Kinh tế

Hé lộ người ngồi ‘ghế nóng’ Tổng giám đốc Habeco

Nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của Tổng công ty CP Bia, Rượu, Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Bộ Công Thương vừa có quyết định giao ông Ngô Quế Lâm, Phó tổng giám đốc thực hiện chức trách, nhiệm vụ tổng giám đốc của Habeco từ ngày 21/5/2018 đến khi bổ nhiệm tổng giám đốc chính thức.

Hé lộ người ngồi ‘ghế nóng’ Tổng giám đốc Habeco
Tân tổng giám đốc Habeco, ông Ngô Quế Lâm (ngoài cùng bên phải) tại một sự kiện của tổng công ty

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, bộ đã có văn bản gửi bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Habeco về việc giao quyền Tổng giám đốc cho ông Ngô Quế Lâm thay thế vị trí của ông Nguyễn Hồng Linh từ ngày 21/5/2018. Việc giao ông Ngô Quế Lâm làm Tổng giám đốc Habeco nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của tổng công ty cho đến thời điểm tổ chức Đại hội cổ đông năm 2018 và  được Hội đồng quản trị Habeco nhiệm kỳ 2018-2023 bổ nhiệm làm Tổng giám đốc chính thức.

Vị trí Tổng giám đốc Habeco trước đây do ông Nguyễn Hồng Linh, đại diện vốn Nhà nước nắm giữ với thời hạn bổ nhiệm 5 năm, tính từ ngày 21/5/2013. Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 30/8/2017, HĐQT Habeco đã ra Nghị quyết về việc tạm dừng quyền điều hành của Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Linh.

Trao đổi với PV Tiền Phong tại thời điểm đó, một lãnh đạo Habeco cho hay, ông Linh bị buộc dừng nhiệm vụ điều hành trên cương vị Tổng giám đốc để tập trung cho công việc thoái vốn nhà nước tại Habeco và thu hồi công nợ, xử lý các việc liên quan đến những sai phạm trong hợp tác giữa Công ty Cổ phần bia Hà Nội-Nghệ An và Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt-Lào. Trong đó, lý do chính để dừng quyền điều hành của ông Linh là do ông có dính dáng và phải chịu trách nhiệm cá nhân trong việc thu hồi công nợ, xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật của việc hợp tác này. Việc dừng quyền điều hành của ông Linh được HĐQT Habeco thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương.

Theo đánh giá của các lãnh đạo Habeco qua nhiều thời kỳ, tân Tổng giám đốc Habeco Ngô Quế Lâm là người thạo việc, biết xử lý hài hòa các mối quan hệ, vấn đề luôn khiến nội bộ Habeco lục đục trong suốt thời gian qua.

Ông Ngô Quế Lâm sinh ngày 7/9/1972 tại Thái Nguyên và nhiều năm công tác tại Habeco và đường quan lộ khá thuận lợi.

Tháng 11/1996 ông Lâm gia nhập Công ty Bia Hà Nội với chức danh kỹ sư và Từ tháng 8/2006 đến tháng 8/2009 ông Lâm là Phó trưởng phòng, Thường trực Ban dự án bia Vĩnh Phúc, Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội. Từ ngày 1/9/2009 đến ngày 31/7/2015, ông Lâm lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó GĐ thường trực nhà máy, Trưởng chi nhánh - GĐ Nhà máy, Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh, Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội. Từ ngày 1/8/ 2015 đến nay, ông Lâm là Phó TGĐ Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội kiêm GĐ Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh.

Ông Lâm cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Bia Thanh Hóa; Chủ tịch HĐQT CTCP Bia Hà Nội - Quảng Bình; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bia Hà Nội - Quảng Trị.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của Habeco thời gian gần đây gây nhiều chú ý của dư luận, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị thoái vốn Nhà nước tại tổng công ty bia rượu lớn thứ hai Việt Nam này. Thị phần và sản lượng của Habeco cũng liên tục tục giảm qua các năm do chịu sự cạnh tranh gay gắt với các đối thủ như Sabeco, Tiger.

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước mới đây cũng cho thấy nhiều vấn đề trong quản trị cũng như điều hành tại tổng công ty này. Cụ thể, qua kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Công ty mẹ - Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), KTNN phát hiện Công ty mẹ Habeco có số dư tiền gửi ngân hàng lớn nhưng chưa có văn bản đánh giá, xếp hạng các tổ chức tín dụng, tham khảo lãi suất cạnh tranh để lựa chọn ngân hàng gửi tiền mà gửi tiền trên cơ sở 1 bản chào lãi suất của ngân hàng đáo hạn hoặc ngân hàng gửi mới trong năm.

Năm 2016, Habeco có các khoản phải thu khác chưa được đối chiếu với giá trị hơn 43 tỷ đồng, chiếm 49,1% giá trị các khoản phải thu khác; các khoản trả trước cho người bán chưa được đối chiếu có giá trị 56 tỷ đồng, chiếm 65,5% giá trị trả trước cho người bán. Có 2 khoản nợ có khả năng mất vốn là khoản nợ của Công ty Cổ phần sữa Việt Mỹ 834 triệu đồng, của Công ty Cổ phần nhựa Đại Trường Phát 177 triệu đồng. Habeco đã phải trích lập dự phòng 958 triệu đồng cho 2 khoản nợ này.

Cũng theo kết quả kiểm toán, năm 2016, Habeco đã thực hiện chi một số khoản chi phí bán hàng với tổng giá trị hơn 116 tỷ đồng cho đối tượng không phải là khách hàng của Công ty mẹ, như chi phí hỗ trợ vận chuyển từ Công ty con đến Đại lý cấp 1; chi phí vật dụng quảng cáo hỗ trợ các nhà hàng; chi phí hỗ trợ theo sản lượng mua hàng cho khách hàng của Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco.

Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)