Kinh tế

Hàng nhái đổ về tỉnh lẻ lừa người tiêu dùng

“Thủ phủ” bánh, kẹo “nhái” ở làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), vì giá thành quá rẻ nên đã hút được lượng khách bán buôn từ các địa phương, các xe tải nườm nượp đổ về đây để lấy hàng.

“Thủ phủ” bánh, kẹo “nhái” ở làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), vì giá thành quá rẻ nên đã hút được lượng khách bán buôn từ các địa phương, các xe tải nườm nượp đổ về đây để lấy hàng.

Tấp nập về tỉnh, chợ huyện

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, cùng với nhiều mặt hàng khác thì thị trường bánh kẹo cũng trở nên náo nhiệt. Làng bánh kẹo La Phù những ngày này trở nên nhộn nhịp hơn cả, bởi những dòng xe các loại từ các tỉnh tấp nập đổ về lấy hàng. Nơi đây, vốn được biết đến là nơi sản xuất bánh kẹo lớn, dọc hai bên đường làng là các cửa hiệu, đại lý san sát, hàng hóa được chất đống ngổn ngang tràn ra mặt đường.
 
 
Tại La Phù, Mỗi hộp bánh nhái chỉ có giá từ 13.000 - 16.000 đồng nhưng khi về chợ huyện giá có thể đẩy lên gấp 6 - 7 lần.

Bánh kẹo “nhái” thương hiệu ngoại chất bên đường ở La Phù (Hoài Đức) chờ xe tới lấy để phân phối đi các tỉnh.

 
Nhiều chủ cửa hàng ở đây cho biết, càng gần tết, lượng xe từ các tỉnh đổ về nhập hàng càng đông với biển số xe nào là Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai... Thậm chí, nhiều chủ buôn cho biết còn đổ hàng vào tới tận Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… mang theo các sản phẩm bánh kẹo có tên “hao hao” hàng thật như Applebe, Choocoin hay Cheng, Galaxy, Many, Love Rosy, Asean, Bisou, Beemilk…

Theo lời chủ buôn này, sở dĩ anh lấy hàng tại đây vì giá cả rẻ hơn so với nơi khác. Trước đây, khi mới vào nghề toàn nhập những sản phẩm có tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng, nhưng khi hàng về ế ẩm, phải bán tháo. Từ ngày nhập hàng tại đây về phân phối, hàng vừa ăn khách lại vừa có lãi. Những mặt hàng này chủ yếu bán được và bán chạy tại vùng nông thôn, khu vực miền núi, vừa hợp túi tiền bà con.

Hàng “nhái” rẻ, đẹp, bán lãi gấp 6-7 lần

Theo quan sát của chúng tôi, nhãn mác các loại bánh, kẹo không thua kém gì hàng uy tín chất lượng. Cụ thể, hộp bánh Damisa của công ty Tân Hoàng Gia được bài trí y nguyên so với hộp bánh nhập khẩu từ Đan Mạch, trên bề mặt vỏ hộp là vương miện hoàng gia, hình ảnh bánh được in ấn vàng ươm. Ngoài ra, cách bài trí bên trong hộp bánh cũng hoàn toàn bê nguyên bản từ hộp bánh nhập khẩu.

Để cạnh nhau, hộp bánh nhái và hộp bánh thật rất khó phân biệt. Một sản phẩm khác là bánh Gosy làm hàng “nhái” giống nguyên sản phẩm bánh Cosy của công ty Kinh Đô, loại bánh “nhái” cũng trang trí màu đỏ đặc trưng của nhãn hiệu uy tín này. Mỗi hộp bánh được ghi là cao cấp, sản xuất tại La Phù chỉ có giá từ 200.000 đồng đến gần 300.000 đồng/thùng (mỗi thùng có 12-16 hộp bánh).

Bánh kẹo “nhái” thương hiệu ngoại chất bên đường ở La Phù (Hoài Đức) chờ xe tới lấy để phân phối đi các tỉnh.
 
Khi bánh kẹo “nhái” đưa về các tỉnh, chợ huyện, các chủ cửa hàng bán lẻ có thể đẩy lên bao nhiêu tùy thích, có nhiều nơi giá đội lên gấp 6-7 lần. Cụ thể, một thùng bánh mà PV mua có giá 91.000 đồng, nhưng đại diện công ty Tân Hoàng Gia - đơn vị sản xuất các loại bánh “nhái” - nói rằng có thể bán lên tới 350.000 đồng. Còn các loại kẹo dẻo đủ các thương hiệu không ai biết như Cheng, Galaxy, Many, Love Rosy, Asean, Bisou, Beemilk thì “mua theo cân, về bán theo gói”.
 
“Thủ phủ” bánh, kẹo “nhái” ở La Phù đã đánh đúng tâm lý người tiêu dùng ở nông thôn, mẫu mã đẹp, giá thành rẻ, như lời chị Hiền - một chủ đại lý quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, theo xe về La Phù lấy hàng - nói, người dân quê thường thích các loại mẫu mã, họ rất ít để ý đến chất lượng. Nhập hàng tại đây về bán rất chạy.
 
>> Hàng Trung Quốc: Phù phép thành “Made in Vietnam”
 
Theo T.Chí-C.Nguyên (Lao Động)