Kinh tế

Hàng loạt hàng hoá thiết yếu tăng giá

Ngày 1/3, Tổng cục thống kê (Bộ KH&ĐT) cho biết, hàng loạt các mặt hàng thiết yếu tăng giá đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2018 tăng 0,73%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ chính có tới 9 nhóm tăng giá. Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,53%; giao thông tăng 0,79%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,75%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,74%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,72%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%....

“Nguyên nhân làm tăng CPI tháng 02 năm 2018 là do Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm nay muộn hơn năm 2017 (rơi vào thời điểm giữa tháng 02/2018). Nhu cầu mua sắm hàng Tết của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao từ Tết ông Công ông Táo kéo dài đến 30 Tết”, đại diện Tổng cục thống kê cho biết.

Hàng loạt hàng hoá thiết yếu tăng giá
Hàng loạt hàng hoá tăng giá khiến CPI tăng cao. ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, CPI tháng 2/2018 tăng còn do giá các mặt hàng lương thực tăng 1,44%; vì nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng và thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo. Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng khá cao do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm phục vụ Tết tăng cao. Thịt lợn, thịt bò, hải sản tươi sống tăng từ 1% đến 8%. Riêng thịt lợn, có địa phương tăng giá trên 7%.

Giá xăng dầu tăng 1,15% so với tháng 1/2018 do 2 điều chỉnh tăng giá. Các mặt hàng về đồ uống, thuốc lá tăng từ 0,5% đến 1,5%. Giá điện sinh hoạt tăng 1,31% do nhu cầu sử dụng điện tháng Tết tăng cao làm tăng CPI chung 0,03%.

Một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách (trước Tết chiều từ Nam ra Bắc, từ thành phố về nông thôn và sau Tết là chiều ngược lại), từ 20%-60% so với giá vé bán ngày thường khiến giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,34%. Giá vé tàu hỏa tăng 19,26% do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé vào dịpTết Nguyên đán. Thời gian nghỉ Tết dài ngày nên nhu cầu du lịch tăng cao dẫn tới chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,7% so với tháng 01/2018.

“Trong tháng 2/2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản hai tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ ở mức 1,32% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định”, lãnh đạo Tổng cục thống kê nhận định.

Theo Quỳnh Nga (Tiền phong)