Kinh tế

Hàng loạt dự án nghìn tỷ tai tiếng của các “ông lớn” thuộc Bộ Công Thương

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên là một trong số nhiều dự án nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương trong tình trạng “đắp chiếu”, thường xuyên xin ưu đãi, càng làm càng thua lỗ.

 
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên là một trong số nhiều dự án nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương trong tình trạng “đắp chiếu”, thường xuyên xin ưu đãi, càng làm càng thua lỗ.
 
Hàng loạt dự án nghìn tỷ tai tiếng của các “ông lớn” thuộc Bộ Công Thương

“Chính phủ sẽ không tiếp tục ném tiền vào những gang thép Thái Nguyên mấy nghìn tỷ”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công Thương.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, cơ chế hỗ trợ của nhà nước cũng phải thay đổi theo hướng chấm dứt cơ chế xin cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém.

Thực tế, gang thép Thái Nguyên được Thủ tướng đề cập đến là một trong số nhiều dự án nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương rơi vào tình trạng “đắp chiếu” chờ nhà thầu Trung Quốc, thường xuyên xin ưu đãi từ Chính phủ, từng đặt ra kỳ vọng lớn về kế hoạch sản xuất, kinh doanh tuy nhiên, càng làm lại càng thua lỗ.

Gang thép Thái Nguyên, “Vinashin” ngành thép

Cụ thể như, dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, chủ đầu tư là CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) công ty con thuộc Tổng công ty thép Việt Nam (nắm giữ 42,1%) vốn điều lệ.

Tisco lâm vào cảnh “hấp hối” và được ví như “Vinashin” trong ngành thép sau 7 năm đầu tư mở rộng nhà máy dở dang giai đoạn 2. Năm 2014, Chính phủ đã đồng ý với hàng loạt đề nghị của Bộ Công Thương, yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo ngân hàng Phát triển cơ cấu lại các khoản nợ khoảng 1.000 tỷ đồng, chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rót vốn 1.000 tỷ đồng qua việc mua trái phiếu phát hành tăng vốn và nguồn vốn lấy từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương.

Sau khi có được nguồn tiền từ ngân sách và việc cơ cấu lại khoản nợ rất lớn từ ngân hàng, Tisco đã được phép tăng tổng mức đầu tư từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng.

Mới đây, Tisco đã có đơn cầu cứu gửi Tổng cục Hải quan, Tổng cục Môi trường và Cục hải quan Hải Phòng nhằm tháo gỡ khó khăn và giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu thép phế liệu trong khi đang làm thủ tục xin giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Trước đó, hồi đầu tháng 4/2016, SCIC cũng đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng về việc xin hàng loạt ưu đãi của TISCO như xin miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, dụng cụ nhập khẩu phục vụ dự án, thuế nhà thầu, không tính phần thuế VAT.
Đồng thời, miễn, giảm chi phí lãi vay trong thời gian dự án dừng hoạt động với giá trị xin ưu đãi thêm là 1.159 tỷ đồng trong đó xin các ưu đãi về thuế là 529 tỷ đồng, chi phí lãi vay trong thời gian dừng hoạt động là 629 tỷ đồng.

Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên được khởi công xây dựng vào năm 2007 với công suất dự kiến 0,5 triệu tấn/năm, tổng vốn ban đầu là 3.843 tỷ đồng. Tháng 7/2007, Tisco ký hợp đồng tổng thầu EPC (E-thiết kế, P-cung cấp thiết bị, C-xây dựng công trình), với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tuy nhiên, sau 5 năm, năm 2012 khi dự án gặp khó khăn về tài chính, nhà thầu MCC đã rút về nước và đem theo hơn 90% tiền thanh toán phần thiết bị mà chưa bàn giao các hạng mục quan trọng cho chủ đầu tư. Đến nay, sau gần 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng, nhà máy vẫn chỉ là đống sắt gỉ “đắp chiếu”.

Đạm Ninh Bình: Nhà máy 12.000 tỷ thua lỗ 2.000 tỷ sau 4 năm

Năm 2005, Tổng công ty Hoá chất, nay là Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã kiến nghị và được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm urê từ than cám, công suất 560.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 667 triệu USD, tương đương khoảng 12.000 tỷ đồng.

Sau khi đàm phán, Vinachem đã quyết định chọn vay vốn từ Trung Quốc 250 triệu USD với Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer làm tổng thầu thực hiện.

Mặc dù nhà máy sử dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới được giới thiệu như công nghệ khí hoá của Shell (Hà Lan), công nghệ tinh chế khí của Linder (Đức), công nghệ tổng hợp amoniac của Topsoe (Đan Mạch), công nghệ phân ly không khí của Air Liquide (Pháp)… nhưng các thiết bị lại được phía nhà thầu Trung Quốc cung ứng.

Theo tính toán, sau khi hoàn thành vào giữa năm 2011, nhà máy sẽ đạt sản lượng 1.760 tấn urê/ngày nhưng đến 30/3/3012 Đạm Ninh Bình mới cho ra tấn urê đầu tiên và vận hành thương mại từ 15/12/2012.

Theo báo cáo của Vinachem, năm 2012, Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng, năm 2014 nhà máy lỗ khoảng 500 tỷ đồng và năm 2015 vừa qua lỗ trên 370 tỷ đồng.

Năm 2014, Vinachem đã từng đưa ra hàng loạt kiến nghị gửi Bộ Công Thương và Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Đạm Ninh Bình như đề nghị tạm dừng nhập khẩu phân bón biên mậu, nhập khẩu tiểu ngạch; tăng thuế suất thuế nhập khẩu phân bón urê lên mức 7%; giải quyết theo cơ chế giá bán than cám 3 và 4 bằng với giá bán than cám 5, cám 6 TKV bán cho các nhà máy nhiệt điện trong nước…

Nhà máy sản xuất xăng sinh học nghìn tỷ “đắp chiếu”

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) từng cho biết chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học mang tính “đi trước, đón đầu”, đầu tư xây dựng ba nhà máy sản xuất Bio-Ethanol đặt tại Bắc, Trung, Nam với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất xăng sinh học nghìn tỷ hoạt động cầm chừng đến "đắp chiếu" 

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, nhà máy ethanol Tam Nông (Phú Thọ) vốn đầu tư (tạm tính) 2.484 tỷ đồng từ cuối năm 2011 đã dừng thi công, toàn bộ hệ thống nhà xưởng tạm thời đóng cửa, thuê lực lượng bảo vệ, bố trí một số người bảo dưỡng.

Nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng sau gần 2 năm thi công đã đi vào chạy thử nghiệm nhưng khi xăng sinh học ethanol được sản xuất ra lại không có nơi tiêu thụ, công nhân nghỉ việc, nhà máy phải tạm ngưng hoạt động.

Trong khi, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất với tổng mức đầu tư 2.219 tỷ đồng, công suất của nhà máy đạt 100 triệu lít ethanol/năm cũng phải hoạt động cầm chừng, sống “thoi thóp” từ tháng 4/2015.

Nhà máy xơ sợi Đình Vũ nghìn tỷ “bất động”

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) do Tập đoàn Dầu khí PVN nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng) nhưng ngay từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.

Dự án dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi với mục đích giúp Việt Nam tự chủ một phần nguyên liệu dệt may, cụ thể đáp ứng 40% thị phần thị trường sản phẩm xơ và 12% sợi trong nước, hỗ trợ ngành dệt may giảm nhập khẩu, chủ động về nguyên liệu…

Tuy nhiên, dự án đã chậm tiến độ tới 2 năm, khi đi vào hoạt động, vận hành khoảng 7 tháng đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu.

PVTex đã dừng vận hành từ 17/9/2015 do khó khăn, đầu năm 2016 PVTex lên kế hoạch hoạt động trở lại trong quý I/2016 tuy nhiên, nhà máy vẫn “nằm bất động”

Trước thực tế thua lỗ liên tục, PVN đã từng đề nghị Nhà nước cần có hỗ trợ bằng cơ chế đặc thù đưa nhà máy hoạt động ổn định và thu hồi vốn đầu tư.

Dù có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành dệt may nhưng để doanh nghiệp trong nước tăng mua sản phẩm của PVTex, PVN đã đề nghị Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với sản phẩm sơ sợ polyester nhập khẩu.

Bên cạnh đó, PVN cũng từng đề nghị miễn giảm thuế giá trị gia tăng, miễn giảm chi phí điện nước, chi phí thuê đất, chi phí quản lý, xử lý nước thải của khu công nghiệp Đình Vũ với PVTex trong hai năm…

Theo Nguyễn Thảo (Bizlive.vn)