Kinh tế

Hàng giả ngập 'chợ' điện tử

Sáng nay (26.7), sàn thương mại điện tử AliExpress (thuộc Alibaba) chính thức công bố vào thị trường VN thông qua sự hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư và Công nghệ OSB.

Cùng với Lazada, Tiki, Shopee..., có thể nói, các nhà đầu tư Trung Quốc đang thống lĩnh thị phần thương mại điện tử VN.

Các trang bán hàng qua mạng đã và đang “đè bẹp” những cửa hàng truyền thống và xu thế này đang diễn ra nhanh chóng ở mọi nơi trên thế giới. Tại VN, tốc độ tăng trưởng của ngành này đang ở mức hơn 25%/năm và là một trong những thị trường có tốc độ tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Tương lai, các chợ điện tử sẽ chiếm phần lớn doanh thu thị trường bán lẻ VN. Thế nhưng điều đáng báo động là lượng hàng nhái, hàng giả giá rẻ đang chiếm áp đảo trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay, sẽ khiến không có doanh nghiệp (DN) nào có thể cạnh tranh được khi muốn bán hàng thật trên mạng, muốn làm ăn đàng hoàng.

Hàng giả ngập 'chợ' điện tử
Hàng nhái, hàng giả bày bán công khai trên các trang TMĐT chiếm thị phần lớn tại VN. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH - ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN

Nỗi lo hàng dỏm

Với sự vào cuộc chính thức AliExpress công bố từ nay các DN muốn bán hàng cho người tiêu dùng ở Trung Quốc hay một số nước khác thông qua sàn AliExpress chỉ cần đăng ký với OSB, đơn vị này sẽ đứng giữa để tạo gian hàng, quảng bá sản phẩm…, chuyển đơn hàng cho phía DN hoàn tất và chuyển giao hàng. Thực ra không cần đợi công bố vào VN, thời gian qua các khách hàng trong nước cũng có thể mua được nhiều hàng hóa trên chợ điện tử AliExpress khi có luôn trang web bằng tiếng Việt bên cạnh nhiều ngôn ngữ khác.

Và cũng như các sàn hiện nay của Trung Quốc như Lazada, Tiki..., trên AliExpress bán hàng loạt sản phẩm na ná với những thương hiệu nổi tiếng dù được đặt tên khác với giá chưa tới 10 USD/món. Ví dụ, một túi xách nhỏ của nữ mang tên Siruiyahan với logo chữ V cách điệu mới nhìn khá giống thương hiệu LV được bán giá 9,85 USD có 846 đơn đặt hàng. Hay hình quảng cáo chai nước hoa Boss 50 ml dành cho nam nhưng được mô tả là thương hiệu MayCreate có giá bán chỉ 7 USD, trong khi giá chai nước hoa Boss trên trang bán lẻ trực tuyến Sephora của Pháp là 60 euro...

Trên sàn Lazada, chỉ cần nhấp chuột, hàng loạt sản phẩm giả, nhái được bày bán công khai. Ví dụ, nước hoa nam Giorgio Armani Acqua Di Gio 100 ml chỉ có giá 145.000 đồng/chai trong khi cũng sản phẩm này trên Sephora có giá 57 euro (tương đương hơn 1,55 triệu đồng, chưa tính thuế và phí vận chuyển…). Hay chai nước hoa nữ Chance Eau Fraiche Eau de Toilette 100 ml được rao bán giá 199.000 đồng trong khi giá chính hãng tới 119,5 euro (tương đương khoảng 3,26 triệu đồng chưa tính thuế và phí).

Tương tự trên sàn Shopee, đôi giày Adidas Neo nữ rao bán giá có 200.000 đồng được quảng bá bán lỗ để “tăng view” chứ không phải hàng dỏm. Thực tế, một đôi giày nam hay nữ hiệu Adidas, Nike dù giảm giá mạnh cũng không có giá dưới 1,2 triệu đồng/đôi. Trên Sendo, chiếc túi Furla da họa tiết cỡ nhỏ chỉ có giá 150.000 đồng trong khi hàng thật không dưới 5 triệu đồng…

Tiêu dùng, sản xuất trong nước gặp khó

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cảnh báo, đây là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại cho TMĐT VN. Nhiều trang TMĐT lớn đã và đang thách thức thị trường bằng hình thức công khai bán hàng nhái trên các trang mạng của họ. Thế giới tiêu dùng nhanh cũng đang “đồng lõa” với hành vi này bằng việc nhấp chuột và đặt mua các mặt hàng hiệu giá rẻ trên các trang TMĐT. Nhìn vào số lượt truy cập mỗi tháng cho thấy, những trang đang công khai bán hàng giả lại nhận được lượt truy cập lớn nhất. “Xu hướng là TMĐT sẽ phát triển mạnh, người Việt đang hưởng lợi từ dịch vụ bán hàng giá rẻ, nhiều khuyến mãi, giao hàng miễn phí. Tuy nhiên, khi chúng ta dung túng cho nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành trên các trang bán hàng online, đồng nghĩa với việc chúng ta đang “giết” hàng thật, trong đó có hàng Việt; hại các sàn bán hàng thật. Trung Quốc là thị trường hàng giá rẻ, hàng bán trên các trang mạng chiếm phần lớn là hàng giá rẻ. Thế nên, khi TMĐT VN là sân sau của Trung Quốc, nguy cơ tiềm ẩn là hàng Việt rất khó có cửa chen chân vào”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

Hàng giả ngập 'chợ' điện tử - 1
Cần có những biện pháp quản lý để hạn chế việc bán hàng giả, hàng nhái trên các trang thương mại điện tử tại VN. ẢNH: ĐỘC LẬP

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cũng nhận định, tình trạng bán hàng nhái, hàng giả qua mạng càng trở nên nghiêm trọng hơn vì dễ “lừa” người dùng, thủ tục đăng ký nhanh chóng. Thậm chí nhiều DN và cá nhân chỉ cần bán qua Facebook mà không phải đăng ký với cơ quan quản lý. Quan trọng hơn, dường như cơ quan quản lý nhà nước chưa nhìn thấy mức độ nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến cả người dùng lẫn các ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, công tác kiểm tra còn lơ là, dù các cơ quan truyền thông đại chúng đã nhiều lần lên tiếng.

Không xử nghiêm, hàng thật sẽ chết

Ngay sau khi có tố cáo hàng bán tại cửa hàng Con Cưng có dấu hiệu “cắt nhãn, gắn mác ngoại”, chỉ trong vòng 3 ngày, liên tục có nhiều cuộc thanh kiểm tra trực tiếp các cửa hàng của cơ quan quản lý thị trường từ T.Ư đến địa phương, đã thu giữ hơn 5.500 sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc. Bộ Công thương cũng đã vào cuộc, lập tổ kiểm tra chuyên ngành toàn bộ việc chấp hành các quy định pháp luật về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của hàng hóa, ghi nhãn hàng… của DN này. Trước đó, vụ Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc cắt nhãn, may nhãn xuất xứ VN cũng từ một tố cáo của người tiêu dùng, các cơ quan quản lý thị trường nhanh chóng vào cuộc. Cả hai cuộc kiểm tra đồng loạt này đã ít nhiều tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Thế nhưng các trang mạng bày bán công khai hàng nhái, hàng giả, lừa đảo người tiêu dùng thì vẫn hiếm hoi việc kiểm tra, xử phạt. Trả lời Thanh Niên, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, thừa nhận TMĐT là lĩnh vực kinh doanh “khá mới” nên rất khó giám sát. Việc kiểm tra hoạt động kinh doanh TMĐT cũng có triển khai nhưng rất ít so với kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng có hàng hóa rõ ràng. “Công tác giám sát, kiểm tra hoạt động TMĐT còn gặp nhiều khó khăn, thông tin trên mạng lại không có gì rõ ràng nên việc kiểm tra cũng giới hạn. DN đa số không có cửa hàng, không có sản phẩm cụ thể, nên cơ quan quản lý thị trường cũng chưa triển khai nhiều hoạt động kiểm tra với các trường hợp này. Hoạt động kiểm tra giám sát các chợ điện tử cũng cần sự phối hợp của nhiều cơ quan như công nghệ thông tin, hải quan, thuế...”, ông Kiếm nói.

Không đồng tình với ý kiến này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, các sàn TMĐT đều là các DN có đăng ký cụ thể, thậm chí là các thương hiệu nổi tiếng. Quy định chủ sàn phải có trách nhiệm với hàng hóa đã có nên nếu không xử nghiêm các sàn bán hàng nhái, giả thì các sàn bán hàng thật sẽ bị bóp chết", vị này nói.

Bán càng nhiều, lỗ càng lớn?!

Khảo sát mới nhất của cổng TMĐT iPrice thì tính đến hết năm 2017, Lazada, Shopee, Tiki và Sendo là 4 trang TMĐT dẫn đầu trên bảng xếp hạng về lượng người truy cập hay lượng người theo dõi trang Fanpage. Một chuyên gia về TMĐT ước tính thị phần của 4 đơn vị này đang chiếm hơn 60%. Điều đáng nói là mấy năm qua, nhà nước chưa thu được đồng thuế nào từ các trang TMĐT này. Chỉ riêng Lazada, trong 3 năm 2015 - 2017 lỗ đến 4.000 tỉ đồng. Shopee tuy mới gia nhập thị trường VN vào tháng 8.2016, nhưng hết năm 2017 cũng đã kịp lỗ gần 800 tỉ đồng. Tiki thì lỗ 600 tỉ đồng tính đến hết năm 2017.