Kinh tế

Hàng 'fake' lên ngôi trong chiến tranh thương mại Mỹ -Trung

Trong khi giới doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ ở cả Mỹ và Trung Quốc đang lo sốt vó vì lời đe dọa áp thêm thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, Lulu chỉ mỉm cười và nghĩ tới khoản thu nhập mà mình sắp có được trong thời gian tới. Bởi đó là khoảng thời gian ăn nên làm ra của những người bán túi xách hàng giả - còn gọi là hàng fake.

Công nghiệp hàng giả hưởng lợi

Ngành công nghiệp đen tối này từ lâu đã trở thành một nghề kinh doanh siêu lợi nhuận ở Trung Quốc, và trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang tăng nhiệt trong tuần này - những người hoạt động trong ngành kinh doanh này mừng rỡ khi nghĩ tới khoản lợi nhuận sắp đổ tới.

Vô số túi xách hàng fake của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới - Coach, Kate Spade và nhiều nhãn hiệu khác - phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc và xuất sang nước Mỹ thông qua các kênh bí mật nhằm tránh sự kiểm tra của chính quyền. Trong khi đó, các loại túi xách và nguyên liệu làm túi xách chính hãng - cũng được sản xuất ở Trung Quốc - được vận chuyển qua các kênh chính thức và phải đối mặt với mức thuế 10% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất áp dụng bắt đầu từ tuần sau.

Hàng 'fake' lên ngôi trong chiến tranh thương mại Mỹ -Trung
Túi xách tay hàng fake tràn ngập trong một góc của khu Chợ Lụa, Bắc Kinh, Trung Quốc. 

Diễn biến hiện nay dường như đang giúp cho các xưởng sản xuất túi xách hàng fake của Trung Quốc được thuận lợi trong hành trình di chuyển của chúng: Được sản xuất tại các cơ sở nằm rải rác trên khắp Trung Quốc, tới các quầy hàng trên đường phố của nhiều thành phố trên khắp thế giới.

Những ngày này, rất nhiều khách hàng tìm đến quầy hàng của Lulu đặt trên tầng 7 của khu Chợ Lụa ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc để mua các mẫu túi xách hàng fake của nhãn hiệu Coach với giá chỉ bằng một nửa so với giá thực tế - thậm chí còn có thể rẻ hơn đối với những khách hàng biết mặc cả.

Lulu - một thương nhân 32 tuổi, người sử dụng tên giả khi được hãng AP phỏng vấn, nói rằng nguồn hàng của cô đến từ một khu sản xuất đặt tại tỉnh Quảng Đông. Cô nói: “Không có người trung gian, và không có thuế”. Nếu giá cả các loại túi xách chính hãng tăng trên các thị trường thế giới do lệnh áp thuế, Lulu dự đoán rằng điều đó sẽ mang lại lợi ích cho ngành túi xách hàng fake của Trung Quốc.

“Sẽ có nhiều người nghĩ rằng: Tại sao không mua một chiếc túi xách ngay ở đây với giá rẻ hơn nhỉ?” - Lulu nói.

Áp thuế vô tình hỗ trợ hàng fake

Được biết, lớp thuế tiếp theo mà chính quyền Tổng thống Trump áp dụng sẽ nhằm vào lượng hàng trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc - trong đó bao gồm các sản phẩm như túi xách, da và lụa.

Đề xuất áp thuế này sau khi được công bố hôm đầu tuần đã dấy lên hồi chuông báo động đối với cả các hãng thiết kế Mỹ và chính quyền nhiều nước trên thế giới, bởi các công ty Mỹ hàng năm phải chi nhiều tỷ USD để chống hàng fake. Giới chức nhiều nước còn liên hệ hoạt động sản xuất hàng fake với các băng nhóm tội phạm có tổ chức và nạn lao động trẻ em.

“Đánh thuế những chiếc túi xách chính hãng không khác gì hành động hỗ trợ túi xách hàng fake” - Susan Scafidi, một luật sư chuyên ngành thời trang ở New York, nhận định.

Mạng lưới thương mại hàng giả toàn cầu buôn bán đủ thứ: Từ những chiếc ví, hàng điện tử cho tới phần mềm...và đạt doanh thu 461 tỷ USD - theo ước tính mới nhất mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố. Con số doanh thu này còn cao hơn cả doanh thu đến từ hoạt động buôn bán ma túy trái phép trên toàn cầu. Hơn 85% tổng số túi xách hàng fake có nguồn gốc từ Hong Kong (Trung Quốc) và đại lục. 1/5 tổng số vụ thu giữ hàng giả có liên quan tới các nhãn hiệu của Mỹ.

Những khách hàng có mức thu nhập trung bình đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá bán - giới phân tích cảnh báo, và bởi vậy họ sẽ tìm mua những loại hàng fake được sản xuất ở Trung Quốc, bán tràn lan trên mạng Internet.

Hàng 'fake' lên ngôi trong chiến tranh thương mại Mỹ -Trung - 1
Những chiếc túi fake của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới có giá chỉ bằng một nửa hàng thật, thậm chí thấp hơn. (Nguồn: AP).

Nghề thu nhập cao

Giá bán nhiều loại túi xách fake ở cửa hàng của Lulu ở Bắc Kinh là 1.280 NDT (186 USD). Cô nhận được một khoản tiền hoa hồng khi bán được túi xách, nhưng không nói ra. Một thương nhân bán hàng fake giấu tên khác cho hay cô nhận được khoản tiền hoa hồng 730-1.200 USD mỗi tháng, tùy vào chủng loại túi xách bán được. Đó là khoản thu nhập khá cao ở một quốc gia có mức thu nhập trung bình khoảng 8.250 USD/năm - theo Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Phần lớn khách hàng sẽ không bao giờ chịu chi hơn 150 USD cho một chiếc túi xách hàng fake - Lulu nói. Đó cũng là suy nghĩ của Lauren Everett, sinh viên 29 tuổi đến từ London (Anh), người mới đến thăm khu Chợ Lụa ở Bắc Kinh. Bình thường, Laurent sẽ không mua hàng fake, nhưng nếu ai đó bán một phiên bản fake gần giống với nhãn hiệu túi xách Pháp mà cô đang tìm kiếm, cô sẽ sẵn sàng mua với giá dưới 125 USD.

Cách đó 7.000 dặm, ở New York (Mỹ), nhà thiết kế túi xách Rebecca Minkoff trở thành một trong những gương mặt mới nổi của ngành công nghiệp thời trang trong những tháng gần đây. Cô đã gửi một bức thư tới Đại diện Thương mại Mỹ, trong đó nói rằng các lệnh áp thuế của Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng tới nhãn hiệu của cô.

Thuế áp với túi xách, Minkoff viết, “sẽ chỉ có lợi cho những người chơi không công bằng trong nền kinh tế Trung Quốc, những người trực tiếp đe dọa tới công việc kinh doanh của chúng ta”.

Nghiên cứu của nhà kinh tế học Vincent Wenxiong Yao cũng ủng hộ quan điểm của Minkoff. Khi giá cả của các loại hàng hóa hợp pháp tăng, thì nhu cầu các loại hàng fake cũng tăng theo.

Giá cả gia tăng là điều tất yếu khi mà các doanh nghiệp chịu mức thuế hải quan cao hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại - Brent Cleaveland, Chủ tịch Hiệp hội Đá quý và Trang sức, đại diện cho 225 công ty Mỹ, nhận định. “Bất cứ một sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng cũng sẽ khiến giá cả gia tăng” - ông Cleveland nói.

Khó trấn áp hàng giả

Vào cuối tháng 8 vừa qua, chính quyền liên bang Mỹ tuyên bố rằng họ đã thu giữ được lượng hàng giả cực lớn có xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có nhiều túi xách nhái lại các nhãn hiệu nổi tiếng như Coach, Michael Kors và Tory Burch, cùng nhiều nhãn hiệu khác...chứa trong 22 container. Chính quyền Mỹ ước tính, lượng hàng trên trị giá khoảng 500.000 USD.

Trong nhiều năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra cam kết sẽ triệt phá các nhãn hàng fake ở trong nước, đồng thời chỉ trích Tập đoàn bán lẻ Alibaba vì đã thất bại trong việc xóa bỏ các loại hàng fake đăng bán trên các nền tảng bán hàng trực tuyến của họ. Giới chức Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra nhăm vào cửa hàng truyền thống. Nhưng cũng giống như điều mà nhà kinh tế học Yao chỉ ra trong nghiên cứu của mình, nỗ lựcvẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Trong khi đó, các cửa hiệu bán hàng giả ven đường khó bỏ nghề bởi họ sống dựa trên nguồn thu nhập từ việc bán hàng fake. Và những người bán hàng fake biết chính xác thời điểm mà họ cần tạm ngừng hoạt động.

Điều này cũng tương tự như việc xảy ra trong tháng này tại khu Chợ Trân Châu ở Bắc Kinh, một điểm nóng hàng giả khác.
Vừa qua, trong lúc hàng trăm phái đoàn châu Phi tới thăm thủ đô Bắc Kinh để tham dự một Hội nghị thượng đỉnh về kinh tế, các thương nhân bán hàng fake nhận biết rằng an ninh sẽ được thắt chặt nên tạm ngừng trưng bày hàng trong khoảng thời gian đó. Thay vào đó, họ dẫn khách mua tới một khu nhà lân cận hoặc một con hẻm gần đó để đưa ra hàng loạt túi xách hàng fake các nhãn hiệu Gucci, Prada, Michael Kors và Louis Vuitton...

Các thương nhân bán hàng fake còn khuyến khích khách nước ngoài chia sẻ các sản phẩm của họ với bạn bè trên mạng xã hội khi trở về nước. Điều này là do họ sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng quốc tế.    

Theo Linh Chi (Daidoanket.vn)