Kinh tế

Giải cứu bí đỏ Đắk Lắk với giá 4.900 đồng/kg

Khoảng 60 tấn bí đỏ sẽ được tiêu thụ trong một hệ thống C ở khu vực phía Nam với giá không lãi 4.900 đồng/kg trong một tuần, từ ngày 10-5.

Giải cứu bí đỏ Đắk Lắk với giá 4.900 đồng/kg
Bí đỏ được đưa lên xe chở về TP.HCM, giá đến tay người tiêu dùng 4.900 đồng/kg - Ảnh: T.T

Đây là số bí đỏ được trồng tại các hộ nông dân Xã Cư Yang, Huyện Eakar, tỉnh Đăk Lắk đang gặp khó tiêu thụ do được mùa mất giá.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch UBND Xã Cư Yang cho biết vụ đông xuân năm 2018, diện tích trồng cây bí đỏ của xã Cư Yang là 110 ha, năng suất ước tính 20 tấn/ha. Hiện nay do giá bí đỏ giảm dẫn đến tình trạng được mùa nhưng mất giá. 

Khu vực này thiếu các công ty chuyên thu mua, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái dẫn đến đầu ra của sản phẩm bí đỏ không ổn định.

Đây không phải là lần đầu tiên bí đỏ của các hộ nông dân Xã Cư Yang được giải cứu. Hồi tháng 6 năm ngoái, hơn 20.000 tấn bí đỏ của vùng này được một siêu thị khác tổ chức giải cứu. 

Nhà bán lẻ cũng đã đề xuất các giải pháp hợp tác lâu dài với địa phương nhằm tránh lặp lại tình trạng được mùa mất giá tuy nhiên, tình trạng giải cứu vẫn lặp lại năm nay. Giá giải cứu năm nay cũng cao hơn năm ngoái, từ 2.200 đồng/lg lên 4.900 đồng/kg.

Trước đó, sản phẩm củ cải trắng của các hộ nông dân huyện Mê Linh - Hà Nội gặp khó tiêu thụ, siêu thị đã thu mua và bày bán ở khu vực miền Bắc với giá hỗ trợ cho nông dân là 3.900 đồng/kg. 

Chỉ 2 tuần sau đó, giá của củ cải trắng đã ổn định và người nông dân tránh được tình cảnh thua lỗ.

Ngoài ra thị trường còn có một số chương trình giải cứu khác như hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn cho nông dân vào tháng 5-2017, Chung tay vì dưa hấu Quảng Ngãi hồi tháng 4-2017, Bán chuối già hương không lãi hỗ trợ nông dân Đồng Nai, tháng 3-2017…

Theo bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, hiện tượng giải cứu nông sản thừa được lặp lại qua mỗi năm xuất phát từ vấn đề lớn nhất là nông sản Việt Nam là không có thương hiệu, không nâng cao được giá trị cho hàng nông sản vì thiếu quy trình sản xuất an toàn, sạch. 

Theo N.Bình (Tuổi Trẻ)