Kinh tế

Giá xăng giảm mạnh nhiều lần, cước taxi bất động

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã 5 lần giảm, đặc biệt là một tháng gần đây giá xăng giảm hơn10% nhưng giá cước taxi vẫn bất động. Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời buổi công nghệ, taxi truyền thống chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không coi trọng khách hàng thì rất khó để cạnh tranh trên thị trường.

Giá xăng giảm mạnh nhiều lần, cước taxi bất động
Chuyên gia cho rằng, giá xăng giảm nhưng giá cước taxi vẫn đứng yên là không chấp nhận được. Ảnh: A.Trọng

Giá xăng giảm 17%

Trưa 7/12, sau một ngày giá xăng dầu giảm lần thứ 5 tính từ đầu năm đến nay, riêng 1 tháng qua, giá xăng giảm đến 17% (từ 22.000 đồng xuống còn 18.459 đồng/lít xăng A95). Tuy nhiên, ghi nhận giá cước taxi tại Hà Nội, PV Tiền Phong thấy giá vẫn giữ như mức từ đầu năm. Cụ thể, đi trên cùng chủng loại xe Toyota Vios 4 chỗ của một số hãng taxi có tên tuổi, chúng tôi ghi nhận được: Giá cước của hãng Taxi Group vẫn giữ ở mức 14.800 đồng/km; Taxi Mai Linh: 13.200 đồng/km; CP Taxi giá 13.500 đồng/km... Với một số hãng có các dòng xe nhỏ hơn, cũng có giá trên 10.000 đồng/km: Taxi Vạn Xuân giá 11.000 đồng/km; G7 Taxi 11.400 đồng/km… 

“Giá cước được gọi là cạnh tranh nhưng từ đầu năm đến nay giá xăng, dầu đã 5 lần thay đổi nhưng giá cước taxi đứng yên thì chưa sòng phẳng với thị trường, thiếu tôn trọng khách hàng”.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội

Thực tế trừ giá cước của hãng G7 Taxi vừa được thành lập, hầu hết mức giá cước trên được các hãng taxi đưa ra từ đầu năm và duy trì cho đến nay. Trước việc giá xăng dầu giảm nhiều lần, nhưng giá cước taxi chưa điều chỉnh, nhiều hành khách đi taxi trong ngày 7/12 cho biết họ không thoải mái, thậm chí có người còn có phản ứng với lái xe.

Chị Nga, một hành khách ở phố Tôn Thất Tùng, thường xuyên đi taxi đến cơ quan làm việc cho biết, giá xăng nhiều lần giảm nhưng giá cước taxi vẫn đứng yên từ đầu năm đến nay là bất hợp lý. Điều này khiến chị đã kết nối với xe công nghệ. Theo chị Nga, trong thời buổi thị trường, giá cước taxi công nghệ luôn điều chỉnh để phù hợp với từng khu cảnh, trong khi đi taxi truyền thống hôm nào cũng “ổn định” ở mức 70.000 đồng/lượt.

Lý giải cho việc chậm giảm giá cước, đại diện nhiều hãng taxi cho biết, do bị cạnh tranh với nhiều loại hình vận tải, đặc biệt là taxi công nghệ nên lượng khách đi taxi đang giảm dần đều. “Để bù đắp chi phí không giảm, giá cước vẫn phải giữ ổn định như đầu năm để duy trì hoạt động”, ông Nguyễn Anh Tùng, Giám đốc Taxi Tràng An Group giải thích. 

Không sòng phẳng với khách hàng

Ông Phạm Quốc Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh hãng Taxi Vạn Xuân cho biết, để điều chỉnh được giá cước, đơn vị phải có văn bản xin phép các cơ quan chức năng trong đó có Sở GTVT, Sở Tài chính. Thời gian để được các đơn vị này chấp thuận, duyệt cho điều chỉnh cũng phải mất ít nhất từ 10 đến 15 ngày. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải yêu cầu các tài xế nghỉ việc ít nhất một ngày để đánh xe về các bãi tập trung cài đặt lại đồng hồ tính cước, dán tem biểu giá được in mới. 

Đưa ra giải pháp để giảm thủ tục rườm rà, ông Nguyễn Anh Tùng, Giám đốc Taxi Tràng An Group cho rằng, hiện nay hầu hết các hãng taxi đều có ứng dụng gọi xe công nghệ, do vậy việc điều chỉnh giá cước trên đồng hồ cũng nên cho doanh nghiệp được chủ động, thậm chí cơ quan chức năng đưa ra cơ chế để doanh nghiệp tự thực hiện. Việc này sẽ giúp giảm các thủ tục rườm rà, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giá cước khi giá xăng dầu tăng, giảm.

Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc G7 Taxi cho biết, từ tháng 9 vừa qua, lãnh đạo G7 Taxi đã thống nhất đưa ra giá cước để có tính tự cân bằng với thị trường trong thời gian lâu dài. Do vậy, khi giá xăng giảm từ 10% trở xuống thì giá cước G7 Taxi vẫn ổn định. Cụ thể, cùng chủng loại xe 4 chỗ nhưng hiện nay một số hãng tên tuổi khác đang có giá cước từ 12.000 đến hơn 14.000 đồng/km, nhưng xe của G7 Taxi chỉ có 11.000 đồng/km, rẻ hơn các đơn vị khác từ 1.000 đến 3.000 đồng. 

Trước thực tế, giá xăng đã giảm 17% so với giá bán từ đầu năm đến nay, ông Quân cho hay, những ngày tới, đơn vị cũng sẽ họp ban lãnh đạo để đưa ra phương án điều chỉnh giá cước cho phù hợp.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, trong thời buổi công nghệ phát triển, nếu doanh nghiệp taxi truyền thống chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không coi trọng khách hàng thì rất khó để cạnh tranh. Theo ông Liên, sau một thời gian phát triển chỉ nghĩ đến thu, nay taxi truyền thống nên kinh doanh sòng phẳng theo cơ chế thị trường, nhiên liệu có biến động thì giá cước taxi cũng phải thay đổi theo. “Giá cước được gọi là cạnh tranh nhưng từ đầu năm đến nay giá xăng, dầu đã 5 lần thay đổi nhưng giá cước taxi đứng yên thì chưa sòng phẳng với thị trường, thiếu tôn trọng khách hàng”, ông Liên đánh giá.

Theo Anh Trọng (Tiền Phong)