Kinh tế

Giá xăng có thể sắp tăng

Áp lực tăng giá xăng dầu lại bắt đầu xuất hiện khi giá dầu thế giới đang ở chu kỳ hồi phục. Trong nước, phương án tăng thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu cũng vừa được "hé” ra.

Áp lực tăng giá xăng dầu lại bắt đầu xuất hiện khi giá dầu thế giới đang ở chu kỳ hồi phục. Trong nước, phương án tăng thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu cũng vừa được "hé” ra. Cơ quan quản lý chọn cách điều hành giá mặt hàng nguyên liệu "đầu vào của nhiều đầu vào” này theo hướng điều chỉnh tăng hay tiếp tục ổn định?
  

Doanh nghiệp đang lỗ 700 đồng/lít xăng

Thị trường xăng dầu hiện nay có đến 21 doanh nghiệp đầu mối tham gia vào công việc nhập khẩu, phân phối và kinh doanh. Liên bộ Tài chính – Công thương khẳng định, mặt hàng chiến lược được vận hành bởi Nghị định 83/ 2014/ NĐ – CP kinh doanh xăng dầu sòng phẳng. Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2 diễn ra vào ngày 2-3 vừa qua, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng nhắc lại nguyên tắc cơ bản: Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Song, do 70% lượng xăng dầu thành phẩm được tiêu thụ tại Việt Nam có xuất xứ ngoại, nên mỗi lần giá thế giới biến động, giá trong nước lập tức bị tác động. Sau khi giảm mạnh từ tháng 7- 2014 và ổn định đến nay (tháng 3-3- 2015), giá xăng dầu thế giới trên đà hồi phục. Trong chu kỳ tính giá vừa qua, giá cơ sở xăng dầu đang cao hơn giá bán lẻ hơn 2.000 đồng/lít. Theo đó ngày 24-2, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã phải quyết định chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu. Mức xả quỹ khá lớn, lên đến 2.448 đồng/lít xăng. Các doanh nghiệp ước tính, với mức xả quỹ này thì chỉ khoảng 2 tháng, Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ hết.

Tính đến ngày 3-3 giá cơ sở mặt hàng xăng ron A92 đang cao hơn giá bán lẻ đến 729 đồng/l, dầu DO giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ 291 đồng/l. Giá xăng ron A 92 nhập về có mức 72.92 USD/thùng; xăng ron A 95 ở mức 76.25 USD/thùng. Các thương nhân đầu mối đang lỗ.

Nhưng đáng chú ý hơn, Bộ Tư pháp đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để bù đắp phần thâm hụt ngân sách do giá dầu giảm. Hiện nay, thuế xăng đang ở mức 1.000 đồng/lít; Dầu diezen 500 đồng/lít, dầu hoả và madut chịu mức thấp hơn là 300 đồng/lít,kg. Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 15-11-2010, mức thuế trần cho bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng lên tới 4.000 đồng/lít; Dầu diezen có mức thuế trần là 3.000 đồng/lít; Dầu hoả và dầu madut có thể bị đánh thuế môi trường lên tới 2.000 đồng/lít,kg.

Người tiêu dùng đang lo ngại việc giá xăng dầu có thể tăng giá mạnh trong thời gian tới.
 

Người tiêu dùng đang lo ngại việc giá xăng dầu có thể tăng giá mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Quốc Anh

Chờ quyết sách?

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phía Nam nói, doanh nghiệp cũng chờ quyết sách từ cơ quan quản lý. Không thể tiếp tục trích Quỹ bình ổn mãi, vì quỹ đang cạn dần. Còn về việc tăng thuế môi trường? Vị này cũng cho rằng, đây chỉ mới là tờ trình, chưa thể áp dụng ngay.

Vừa qua, Chính phủ cũng đã khẳng định, thời gian tới Liên Bộ Tài chính – Công thương tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới và trong nước, chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về thuế, Quỹ Bình ổn giá, giá bán lẻ để bình ổn giá xăng dầu; trong một số trường hợp có thể điều chỉnh lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Trở lại với tờ trình về thuế phí mà cơ quan quản lý vừa hé lộ cho thấy, một trong những nguyên nhân để điều chỉnh thuế môi trường áp dụng cho mặt hàng xăng là để bù đắp ngân sách. Liệu nguyên nhân này có hợp lý, dẫu biết rằng, thuế môi trường được áp dụng cho mặt hàng xăng được nhìn nhận là khá cũ.

Hiện nay riêng mặt hàng xăng đang cõng trên mình 4 loại thuế. Cả thuế và phí đang chiếm hơn 39% cấu thành giá mặt hàng xăng. Trong đó, thuế nhập khẩu đang ở mức 35%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng…

Giới chuyên gia trong ngành nhận xét, hệ thống các mặt hàng trọng điểm trong đó có mặt hàng xăng dầu cần một cuộc đại phẫu tái cơ cấu. Các nước đang tiến hành tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, hay là sáng chế ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng để tăng thu ngân sách. Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ khẳng định, giải pháp tăng phí bảo vệ môi trường để bù ngân sách là chưa thuyết phục cần được xem xét kỹ lưỡng.
 
Theo Hồ Hương (Đại Đoàn Kết)